BEETHOVEN VÀ BẢN GIAO HƯỞNG SỐ 9
Hoàn
cảnh sáng tác
Hiệp hội London (The Society of London -
sau này là Royal Philharmonic Society) đặt hàng bản giao hưởng vào năm 1817.
Beethoven bắt đầu làm việc với bản giao hưởng cuối cùng vào năm 1818 và kết
thúc vào đầu năm 1824. Khoảng 10 năm sau bản giao hưởng số 8. Tuy nhiên,
Beethoven bắt đầu sáng tác tác phẩm này sớm hớn. Ông đã muốn đặt An die
Freude vào nhạc rất sớm từ năm 1793. Ông đã làm điều đó, nhưng thật không may
tác phẩm này bị mất vĩnh viễn. Từ chủ đề cho chương scherzo có thể lần ngược
về bản fugue được viết vào năm 1815.
Đoạn mở đầu cho phần thanh nhạc của bản
giao hưởng gây ra rất nhiều khó khăn cho Beethoven. Bạn ông, Anton Schindler,
sau này kể lại: "Khi anh ấy bắt đầu sáng tác chương 4, sự nỗ lực bắt đầu
như chưa bao giờ có. Mục đích là tìm ra cách đi vào phần mở đầu của đoạn tụng
ca của Schiller. Một hôm Beethoven nhảy vào phòng và la lớn "Tôi tìm ra
rồi, tìm ra rồi" Sau đó anh ấy cho tôi xem phác thảo của những từ
"cho chúng tôi hát bản tụng ca của Schiller bất tử". Tuy nhiên, đoạn
mở đầu đó đã không có trong sản phẩm cuối cùng, và Beethoven đã trải qua rất
nhiều thời gian viết lại phần đó cho đến khi nó thành hình dáng như chúng ta
thấy ngày hôm nay
National Youth Choir of Great Britain
West-Eastern Divan Orchestra
Daniel Barenboim, conductor
Royal Albert Hall, 27 July 2012
Giao hưởng số 9 của Beethoven thuộc vào số
ít tác phẩm của nền nghệ thuật thế giới, như những đỉnh núi cao nhất, trội
hơn tất cả những gì mà những thiên tài nghệ thuật của nhân loại tạo nên. Cũng như những bài thơ của Homerk "Thần
khúc" (Divina commedia) của Dante, tranh Đức mẹ của Raphael,
"Faust" của Goethe hoặc khúc Messe (Die hohe Messe) của Bach, giao hưởng số 9, là con đẻ của thời
đại của mình, đồng thời là sự thể hiện những lý tưởng và hoài bão của loài
người. Nhạc sĩ hoàn thành bản giao hưởng vào cuối đời nhưng đã nghiền ngẫm
trong suốt cuộc đời mình. Hồi còn trẻ, say sưa với những tư tưởng của cuộc cách mạng Pháp,
Beethoven tìm tòi thể hiện âm nhạc bài thơ ca ngợi (Ode) "Hướng tới niềm
vui" (Ode to Joy) của Schiller, mà ông đã lấy lời thơ ấy viết màn hợp xướng
chương cuối của giao hưởng số 9. Những tư tưởng về tình hữu ái nhân loại, về
tự do được đưa vào giao hưởng đã thôi thúc ông mãi trên suốt cả con đường
sáng tác. Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề âm nhạc của chương cuối nảy sinh
trước khi có bản giao hưởng, và có thể tìm thấy trong các tác phẩm khác của
Beethoven không ít những hình ảnh tương tự với chủ đề ấy. Nói một cách khác,
giao hưởng số 9 - là sự tổng kết những tìm tòi tư tưởng nghệ thuật của nhạc
sĩ.
Bản giao hưởng được xây dựng trong thời
gian mà thời kỳ cách mạng Pháp đã đi vào dĩ vãng, và thế lực phản động đang
ngự trị ở Châu Âu. Những hy vọng đã đổi thành thất vọng. Trong nghệ thuật đã
nảy sinh một trào lưu mới - chủ nghĩa lãng
mạn, thể hiện những tâm trạng mới. Công trạng của người nghệ sĩ ca
ngợi Trí tuệ, Tự do, Niềm tin trong thời kỳ đen tối ấy ấy càng có ý nghĩa lớn.
Giao hưởng số 9 - một bản tuyên ngôn âm nhạc của thế kỷ 19, như Lenin nói: "tiến hành dưới khẩu
hiệu của cuộc cách mạng Pháp.
Giao hưởng số 9 - tác phẩm cải cách sâu sắc.
Lần đầu tiên lời hát được đưa vào giao hưởng. Thủ pháp táo bạo ấy rất cần thiết
đối với Beethoven. Sự phát triển của tư tưởng của bản giao hưởng đã gợi ý việc
đưa lời hát vào như tiếng nói của nhân loại, tính cụ thể của lời ca cần cho
việc diễn đạt kết luận tư tưởng chủ yếu của quan điểm triết học to lớn. Nhưng
cái đó không hạn chế cái mới của Beethoven. Ông đổi vị trí của Scherzo và
Adagio, viết những đoạn ngoài cùng của chương Scherzo theo hình hình thức sonata
allegro. Thiên tài Beethoven đã đạt đến độ trưởng thành tột bực trong giao hưởng
số 9. Bản giao hưởng gây xúc động mạnh bởi tính bi kịch của những nỗi đau khổ
của nhân loại, cuộc đấu tranh tư tưởng lớn lao, tư tưởng cao cả, nguồn cảm hứng
của chủ nghĩa nhân
văn tổng kết con đường sáng tác của Beethoven - nhà soạn nhạc
giao hưởng. Bản giao hưởng số 9 mở ra những triển vọng mới đối với nền nghệ
thuật âm nhạc của những thế hệ tiếp theo.
Chương
I
Allegro ma non troppo, un poco maestoso.
Thời gian xấp xỉ: 15 phút
Trong màn sương tối lờ mờ, bất định, hiện
ra phần mở đầu của bản giao hưởng. Hồi hộp, đầy bí ẩn của đợi chờ, tiếng vê
(tremolo) chập chờn mờ ảo của violin, trên nền tremolo ấy thấp thoáng những
bóng lờ mờ các motiv, nhạc sĩ đang lần dò những tuyến mạch của chủ đề chính
sau này, nó đã hình thành, và sau một sự chuẩn bị lâu dài, bằng sự nỗ lực
hùng mạnh của dàn nhạc, cuối cùng, khẳng định chủ đề chính. Xuất hiện hình tượng
thuyết nguồn gốc vũ trụ, dường như từ bóng tối của vô biên vũ trụ xuất hiện
và tuyên bố về mình một cách uy quyền, mệnh lệnh: "Tôi đang có ở đây". Nhưng vũ trụ sinh ra xù xì, đầy rẫy
những mâu thuẫn sôi sục, nảy sinh không khí đấu tranh, xung đột. Sự phát triển
sôi động đó dẫn đến chủ đề phụ - phản đề trữ tình đối với chủ đề một, âm nhạc
mang màu sắc trưởng, xuất hiện cao trào anh hùng ca - những tia sáng đầu tiên
của thắng lợi. Và bỗng nhiên trở lại một sự yên lặng hung dữ, những tiếng kèn
hiệu nghiêm trọng thông báo trận chiến đấu bắt đầu, gợi lại trong ký ức những
hình tượng người khổng lồ một mắt trong sử thi anh hùng cổ đại. Ngôn ngữ của
bản giao hưởng bị mất tính chất tạo hình, nhưng thay vào đó là áp lực kịch
tính và thoái trào kiệt sức, trong âm thanh rùng rợn của chủ đề chính, trong
tính nhất quán, nhằm một mục tiêu nhất định của sự phát triển âm nhạc, đã thể
hiện được hình tượng uy nghi, hùng tráng của hành động, của cuộc chiến đấu.
Giai đoạn tột cùng của cuộc chiến đấu trùng hợp với sự bắt đầu phần nhắc lại
(Reprise). Từ lúc ấy sự hoạt động đưa đến không thương xót sự kết thúc bi thảm
trong đoạn đuôi (Coda). Âm nhạc có sắc thái tang lễ trọng thể. Tuy vậy
"ý kiến tối hậu" không thể bác bỏ được vẫn thuộc về chủ đề chính
quyền uy và hùng dũng.
Chương
II
Scherzo: Molto vivace - Presto. Thời gian xấp xỉ: 10
phút.
Phá bỏ tập tục cũ, Beethoven để khúc
Scherzo ngay sau chương I. Nó xóa bỏ yếu tố bi thảm lúc đầu - Scherzo - cảnh
huy hoàng có khí thế và hiệu lực, nó lao nhanh dồn dập như một trận bão lửa,
tạo nên ấn tượng lúc thì mang tính chất anh hùng ca, lúc thì phóng túng, mơ mộng.
Nhưng trong dòng âm thanh như đuổi theo nhau đó khuôn phép nghiêm ngặt về nhịp
điệu vẫn khống chế. Những phần ngoài cùng được viết ở hình thức sonata
allegro (lại một cải tiến mới mẻ nữa) tương phản với phần trio mang tính chất
phong cảnh phong tục, với nhiều màu sắc tươi sáng của đồng quê.
Chương
III
Adagio molto e cantabile
- Andante Moderato - Tempo Primo - Andante Moderato - Adagio - Lo Stesso
Tempo. Thời gian xấp xỉ: 16 phút.
Thể hiện lý tưởng đạo đức, vẻ đẹp và tính
chất hùng vĩ của âm nhạc đầy cảm hứng bởi ý tưởng cao cả về đạo đức và hoàn
thiện, sứ mệnh và nghĩa vụ của con người. Tính chất minh bạch sáng sủa, sự
hài hòa của lý trí và tình cảm bao trùm niềm suy tư triết lý tỉnh táo ấy.
Dòng nhạc thong thả, đầy đặn, sự luân chuyển và bổ sung lẫn nhau của hai chủ
đề và các biến tấu của chúng rất chặt chẽ và hợp lý, hơi thở của giai điệu vô
cùng rộng rãi. Điệu trưởng chiếm ưu thế hầu như khắp nơi trong nền tảng dàn
nhạc đầy chất giai điệu tươi sáng, chỉ có hai lần bị phá vỡ do sự xâm nhập của
chủ đề chính của chương I - như muốn nhắc rằng đạt được sự rõ ràng và cân đối
ấy phải trả bằng một giá đắt.
Chương
IV
Presto; Allegro molto assai (Alla marcia); Andante maestoso;
Allegro energico, sempre ben marcato. Thời
gian xấp xỉ: 24 phút
Chương cuối với phần đầu tràn lên dữ dội,
khôi phục cái lạc điệu tưởng như đã được khắc phục. Nhưng điều đó chỉ là sự cố
gắng để quay về. Nhưng sự trở về đã không thể có được logic phát triển của
"những sự kiện" nhất quyết dẫn đến thắng lợi của niềm vui. Những chủ
đề của những chương trước - những đoạn đường đã bị vượt qua - nối tiếp nhau
đi, nhưng chủ đề nào cũng bị bè cello "cự tuyệt" bằng cách nói
cương quyết: không một chủ đề nào có thể nói là chủ đề của chương cuối.
Cần phải tìm cái nào đó có phẩm chất mới,
hơn hẳn tất cả những gì đã có từ trước đến nay và có thể nói lên kết quả phát
triển tư tưởng âm nhạc của bản giao hưởng. Một khoảnh khắc yên lặng trong dàn
nhạc. Và cuối cùng chủ đề mới ấy xuất hiện, chủ đề Niềm Vui. Chính nhờ tính
chất mộc mạc mà nó được xem như một sự phát triển rõ ràng.
Đầu tiên là cello và contrebass diễn tấu chủ
đề ấy, sau đó từng nhóm nhạc cụ khác và cuối cùng, cả dàn nhạc. Đó là niềm
vui đã vượt qua đau khổ, chiến thắng cái ác, là thành quả của sự hài hòa cân
đối cao độ của nội tâm và sự thoải mái về tinh thần của con người. Âm thanh của
chủ đề đạt đến quy mô to lớn, và một lần nữa, lần cuối cùng, nhạc tố hốt hoảng,
kinh hoàng trong chương I lại chen vào. Và lúc đó, lần đầu tiên nghe thấy tiếng
nói của con người: "Ồ các bạn ơi!
Không phải những âm thanh ấy! Tốt hơn hết chúng ta hãy hát cái gì vui tươi!"
Chủ đề Niềm Vui xuất hiện ở các giọng đơn ca và hợp xướng: "Ôi Niềm Vui thần thánh tuyệt vời,
nữ thần của bầu trời! Lòng hân hoan, chúng tôi bước vào thánh đường của người". Từ lúc đó Niềm Vui vô
tận, không gì làm u tối đi, được giữ mãi cho đến cuối chương. Hơn thế nữa, Niềm
Vui được thể hiện trong tất cả sự phong phú về giới hạn và sắc thái. Chủ đề
thông qua một loạt biến hóa, trở thành khúc ca, bài hát ca ngợi tươi sáng.
sưu tầm
|
Thứ Sáu, 25 tháng 7, 2014
giao hưởng số 9
Chủ Nhật, 20 tháng 7, 2014
giới...
GIỚI, VỠ LÒNG CHO CU DAN
Tran thi NgH
Không biết bắt đầu
hoang mang từ khi nào, sáng sớm mới thức dậy còn nằm trong giường, câu hỏi đầu
tiên của cu Dan 3 tuổi:
- Mẹ là con gái phải
không? Không có zizi, đúng không?
- Đúng. Mẹ không có
zizi, có thứ khác. Nhưng con gái con trai gì sáng ngủ thức dậy vẫn phải đi vệ
sinh thôi. Nín lâu có thể tè trong quần.
Tết này mẹ 40 tuổi nếu
cầm tinh con heo, 39 tuổi con chuột, 38 tuổi con trâu, 37 tuổi con cọp; 36
tính theo song ngư. Rõ ràng âm dương có sai lệch múi giờ, khác nhau về giới
tính, không bình đẳng về chức năng, bất công trong phân loại đẳng cấp, khập
khiễng trong phân bố công việc, và còn nhiều thứ linh tinh chông chênh khác.
Rất nên sẵn sàng
trong mọi tư thế; bất thình lình cu Dan có thể hỏi: ngoài việc để tè, giới
còn để làm gì?
Bên Tây lẫn bên ta hiện
đang rân rộ cái gọi là La théorie du
genre enseignée à l’école, rằng
nên tẩy chay nhà trường vì đã lăm le giáo dục giới tính ở bậc tiểu học. Kênh
France 2 có đưa lên TV một clip thú vị: cô giáo giới thiệu với các em cấp I một
bức tranh cổ điển của vài thế kỷ trước; trong tranh là một mệnh phụ ăn mặc
lùng tùng xòe diêm dúa ngồi cạnh hai bé vận đầm voan xanh, giầy đen vớ trắng,
tóc dài xoắn lọn có thắt nơ. Hai bé được giới thiệu tên Georgette và Paul.
Các em ồ, à: Paul? Paul? Theo lời cô giáo, trước đây người ta cho các bé trai
vận đầm như bé gái, đến 6 tuổi mới phân biệt giới tính. Cô giáo hỏi: các em
muốn ăn mặc như thế nào? Có thích được giống nhau như Georgette và Paul? Những
cánh tay dân chủ giơ lên.
Nhưng phân biệt làm
chi cho mệt trong khi tự thân tiếng Pháp đã rải giới ở mọi thứ? Ngay trên cơ
thể mỗi người đã có cái đầu giống cái gắn trên cái cổ giống đực, trán đực ngó
xuống mũi đực và hai má cái, toàn bộ cửa khẩu gồm môi răng lưỡi họng dun rủi
sao mà tập trung toàn cái cho đến khi trổ xuống gặp cái cằm đực, ngực cái chở
hai trái vú sữa đực áp vào lưng đực phía dưới phình to hai mông cái, cánh tay
đực gãi gãi cẳng chân cái, hai bàn tay cái ngo ngoe mười ngón tay đực. Đại
khái là cơ thể đực tha theo thủ cấp cái; hai thứ này không hiểu sao lại cưu
mang các bộ phận rặt đực núp bên trong: óc đực tim đực gan đực phổi đực bao tử
đực ruột đực.
Mỗi cá nhân lại được
vây quanh bởi các vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày: bàn ghế cái
bày biện trong phòng khách đực, giường ngủ đực để cạnh bàn nhỏ cái, dương cầm
đực hòa với tây ban cầm cái trong một bản nhạc đực nhoi nhóc các nốt nhạc cái
đuổi theo một tiết điệu đực, nhà cái đóng hộp trong tường đực trần đực và sàn
đực ngăn ô bằng vách cái thành từng gian đực cái tán loạn. Các căn nhà cái tập
trung trong các khu vực đực, làm nên những thành phố cái trong một đất nước đực
tọa lạc trên một trái đất cái hình thành một thế giới đực.
Trong thế giới này
người ta ăn thịt cái cá đực, uống nước lọc cái nhưng dùng rượu đực, lấy vợ
cái trong một cuộc hôn nhân đực rồi lại ly tan cái; người chết có thể đực hoặc
cái nhưng cái chết thì – cơ khổ, lại đầy nữ tính giống như sự sống, chiến
tranh và hòa bình. Nhưng rồi tình yêu xuất thân từ con tim đực thì luôn luôn
đực để sau đó chuyển giới thành cái, trong sự thù ghét.
Lớn lên một chút, cu
Dan có thể tá hỏa tam tinh khi tìm hiểu về mạo từ trong tiếng Việt. Vì sao
con dao cái búa con sâu cái kiến con trai con gái con người con cháu con chó
con ma con quỷ con buôn, bất chấp đực cái? Vì sao phân biệt thằng nhỏ con nhỏ
thằng khùng con điên thằng cha con mẹ con cu cái bỉm con chim, bất chấp người
vật? Vì sao là hòn bi hòn dái hòn Chồng hòn Khoai hòn non bộ hòn đảo cục gạch
cục nợ cục u cục điều tra liên bang cục R, bất chấp tròn méo? Miếng nước miếng
cơm miếng canh miếng cá miếng thịt, bất chấp lỏng đặc? Nỗi buồn niềm vui nỗi
sợ niềm tự hào nỗi lòng niềm tâm sự, bất chấp lớn nhỏ? Sợi tóc sợi tơ sợi mì
sợi buồn rớt xuống tim tôi, bất chấp dài ngắn? Hột gà hột vịt hột xoàn hột ngọc
hột mưa hột đậu hột gạo – trong số này lắm thứ có thể chuyển thành hạt hoặc
trứng như hạt xoàn hạt ngọc hạt mưa hạt đậu hạt gạo, trứng gà trứng vịt,
nhưng không thể có trứng xoàn trứng ngọc trứng mưa trứng đậu trứng gạo. Tuy
nhiên, nước có thể có trứng được gọi là trứng nước; vậy trứng nước hẳn có
phôi trong đó.
Trước 1975 thanh niên
là từ được dùng cho các chàng trai trẻ, thiếu nữ dành cho các cô gái ở tuổi
thanh xuân. Ngày nay thanh niên bao gồm cả hai giới tính. Tuy nhiên oái oăm
là trong pho Dân Gian Bách Khoa Tự Điển có chàng thanh niên và nàng thiếu nữ,
nhưng lại không có nàng thanh niên! À, có nàng Thanh Niên Xung Phong, còn
nàng thanh niên không xung phong thì không có.
Con tàu hay thằng
tàu? Nó giống đực mà! Bài gì con hay hát đó.
Bateau sur l’eau…
Bateau sur l’eau…
La rivière au bord de l’eau…
Thằng Tàu là thằng
Trung Quốc, á, coi chừng nghe!
Khi mình không ưa ai,
dù nó lớn thù lù vẫn gọi nó bằng thằng, như đã từng có thằng Mỹ thằng Nhật.
Cá nhân có những đại từ biến hóa khôn lường theo quan hệ tình cảm và giới
tính: y, va, hắn, lão ấy, cha ấy, nó, thằng chả, ổng, ảnh, chàng, Người; y thị,
mụ ấy, con mẹ, con mẻ, bả, cổ, chỉ, nàng… Cẩn thận. Chừng nào lòng vỡ rồi
tính.
Con ghẻ có thể đực hoặc
cái nhưng con rể thì đực trong khi con dâu cái. Con đĩ là gái làng chơi nhưng
cái đĩ thì con gái mình, lành mạnh thôi. Đàn ông làm đĩ gọi là đĩ đực, phụ nữ
bán hoa không gọi là đĩ cái – từ này chỉ để chửi dù có bán hoa hay không, có
khi được thay bằng đĩ ngựa tuy không xác định ngựa đực hay ngựa cái. Bán trôn
nuôi miệng chỉ cần nói làm đĩ là hiểu. Có những người thực sự bán hoa nhưng ở
miền Bắc được thi vị hóa là cô hàng hoa, tiến về phía Nam bị cục mịch hóa
thành bà bán bông (chú ý: chăn bông, bông lơn, bông phèng, lông bông,
ma-cà-bông hoàn toàn không dính líu chi đến hoa lá). Buôn bán kiểu này gọi là
làm ăn, không phải làm đĩ dù cả hai ngành nghề đều nhắm vào một mặt hàng:
hoa, và một mục tiêu: sống.
Chửi nhau chó cái là
từ dành riêng cho nữ giới, với nam giới thì mắng thằng chó má, không mắng chó
ba. Nựng nịu con nít gọi chó con ơi chó con ơi, giận lên mắng đồ con chó. Đàn
ông nuôi con được gọi là gà trống nhưng khi đảm trách công việc của đàn bà sẽ
bị phê đồ gà mái. Đực tính là một đặc ân đặc quyền phẩm chất dành cho động vật
lẫn thực vật nhưng khi lớ ngớ cù lần thì bị phang đồ ngỗng đực. Một lần nữa,
chú ý: trống mái được dành cho tôm cá (tùy) và loài có lông vũ; đực cái dùng
cho thực vật, côn trùng (tùy), loài bò sát, loài có vú và có lông mao. Trong
tiếng Pháp chỉ có đực và cái cho cả đồ vật, không có bàn mái bảng trống phấn
mái kẹo trống cà-rem mái.
Học sang bài màu sắc
trong tiếng Việt coi như chết chắc; chỉ có một màu đen thôi mà đã hắc điểu,
ngựa ô, mèo mun, chó mực, gà ác (chú ý: ô kê không phải gà đen). Nhưng khoan,
mới vỡ lòng học ít thôi.
Bây giờ nghe đây, thực
thi chức năng gieo giống là heo nọc, vận dụng nghĩa vụ bầu bì sinh nở là heo
nái. Con dại cái mang, nhớ đấy, con có dại đực nhất định không mang. Thai
nghén đẻ đái là thiên chức của người mẹ nhưng lớ quớ có thể bị chửi đồ chó đẻ.
Thắc mắc tại sao chó đẻ ra người? Ví von thôi, không phải ca tụng sứ mệnh
mang nặng đẻ đau của chó đâu. Bất công vậy bảo sao nhện cái không nhai rào rạo
nhện đực sau cuộc thăng hoa, bảo sao kiến đực không ngủm củ tỏi ngay sau khi
đã tặng cho kiến chúa một gói quà chứa 4 triệu con li ti. Để phát triển dân số,
mười bốn tuổi góa phụ áo đen đã phải đẻ một triệu rưỡi trứng kiến. Một lần
trăng mật cũng đủ lãng quên đời, lặp đi lặp lại các trận mây mưa làm chi cho
phí phạm giờ công lao động. Nói tóm lại, một số loài côn trùng có vẻ làm chủ
tình hình và có ý thức cách mạng về giới tính, tuy vậy những người làm điều
hèn hạ thường bị chì chiết là đồ sâu bọ.
Đấy, đực cái là vậy.
Mới 3 tuổi không nên biết chuyện trăng gió làm chi nhưng có thể giản lược như
sau: đàn ông có nhiều em mắt xanh mỏ đỏ vây quanh sẽ được khen đào hoa, nữ giới
được đàn ông xum xoe liền bị dèm pha đồ cái thứ lẳng lơ chài mồi; đực ngoại
tình vì tìm được tình lớn sau hôn nhân, cái ngoại tình do bản chất đĩ thõa
thích lừa chồng mình giựt chồng người.
- Cu Dan, con là đực.
Nhớ chưa! Thôi đứng dậy đi tè. Đừng quên chùi zizi.
Trần Thị NgH
Saint Maurice, 07. 2014
(trích từ www.damau.org)
|