Lá Số
Vua LÊ LỢI
1385-1433
Tượng Vua Lê Lợi ở Thanh Hóa
Tổ bốn đời của Lê Lợi là Lê Hối,
người Thanh Hóa. Một hôm đến vùng núi Lam Sơn thấy cảnh đất lành
chim đậu, ông dời nhà về đây.
Lê Lợi sinh vào giờ Tý ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu, tức
ngày 10 tháng 9 năm 1385 đời nhà Trần tại quê mẹ ở làng Chủ Sơn, huyện Lôi Dương (sau là Thủy
Chú, nay là Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). . Bố ông là hào phú Lê
Khoáng lấy bà Trịnh Thị Ngọc Thương sinh được ba người con: Lê Học, Lê
Trừ và Lê Lợi.
Lê Lợi vừa lớn lên đã chứng kiến sự sụp đổ
của triều Trần, những cuộc khởi nghĩa của nông dân và những cố gắng cải
cách của triều Hồ. Những biến động chính trị-xã hội đó hẳn có ảnh hưởng đến nhận
thức, tư tưởng của Lê Lợi, nhưng có lẽ chưa tác động bao nhiêu đến địa vị và
chí hướng quân trưởng của miền núi rừng Lam Sơn xa xôi.
Sau khi bức ép vua Trần dời đô từ Thăng
Long vào Tây Đô (Thanh Hóa) và giết hàng loạt quần thần trung
thành với nhà Trần, tháng 2 năm Canh Thìn 1400, Hồ Quý
Ly truất ngôi của Trần Thiếu Đế, tự lên làm vua lấy quốc hiệu
là Đại Ngu, lập nên nhà Hồ.
Triều
đình nhà Minh (Trung Quốc), vốn rất muốn xâm lăng Đại Ngu, đã
nhân cơ hội Hồ Quý Ly cướp ngôi nhà Trần để đưa quân tràn vào đất Việt
năm 1407. Hồ Quý Ly liên tục thất bại và đến tháng
6 năm 1407, thì bị bắt cùng các con trai là Hồ Nguyên Trừng và Hồ
Hán Thương. Vương triều Hồ và nước Đại Ngu sụp đổ.
Nhà Minh thực hiện chính sách xóa bỏ nền Văn
minh sông Hồng bằng các cách như đốt, phá và chở về Yên Kinh tất
cả các loại sách, văn bia có nói về dân Việt, của dân Việt tạo lập, thiến hoạn
đàn ông người Việt, khiến cư dân Việt rất uất ức và căm giận. Hơn 1.000 năm,
các triều đình Trung Quốc không đồng hóa được văn hóa Việt, nên việc
làm của nhà Minh đã đem lại một kết cục xấu cho sự đô hộ của họ.
Khởi nghĩa Lam Sơn
Đầu năm Bính Thân (1416) Lê Lợi cùng 18 người
bạn thân tín nhất, cùng tâm huyết và chí hướng, trong đó có Nguyễn Trãi, làm lễ
thề kết nghĩa anh em, nguyện sống chết “chung sức đồng lòng chống giữ địa
phương để trong cõi được ở yên".
Mùa xuân năm Mậu Tuất 1418, Lê Lợi đã cùng những hào kiệt,
đồng chí hướng như Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Lê Văn
An, Lê Sát, Lưu Nhân Chú,... tất cả 50 tướng văn và tướng võ chính thức
phất cờ khởi nghĩa. Đồng thời ông tự
xưng là Bình Định Vương và kêu gọi dân Việt đồng lòng đứng lên đánh đuổi quân
xâm lược Minh cứu nước.
Trong thời gian đầu, lực lượng
của quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người, lương thực thiếu thốn, thường chỉ thắng
được vài trận nhỏ và hay bị quân Minh đánh bại. Hoạt động trong thời này chủ yếu
ở vùng núi Thanh Hóa. Có những lúc Lê Lợi và quân Lam Sơn phải trốn chạy.
Bị quân Minh vây đánh nhiều trận, quân Lam Sơn khốn đốn ba lần phải rút
chạy lên núi Chí Linh những năm 1418, 1419, 1422 và một lần cố thủ ở
Sách Khôi năm 1421. Một lần bị quân Minh vây gắt ở núi Chí Linh (có sách ghi
năm 1418, có sách ghi năm 1419), quân sĩ hết lương, anh em kết nghĩa của Lê Lợi
là Lê Lai theo gương Kỷ Tín (tướng của Hán Cao Tổ Lưu Bang thời chiến tranh
Hán-Sở) phải đóng giả làm Lê Lợi, dẫn một toán quân ra ngoài nhử quân Minh.
Quân Minh tưởng là bắt được chủ tướng Lam Sơn nên lơ là phòng bị, Lê Lợi và các
tướng lĩnh thừa cơ mở đường chạy thoát. Lê Lai bị quân Minh giải về Đông Quan
và giết chết.
Ngoài quân Minh, Lê Lợi và quân Lam Sơn còn
phải đối phó với một bộ phận các tù trưởng miền núi tại địa phương theo nhà
Minh và quân nước Ai Lao (Lào) bị xúi giục hùa theo. Dù gặp nhiều gian nan,
quân Lam Sơn mấy lần đánh bại quân Ai Lao. Tuy nhiên do lực lượng chưa đủ mạnh
nên Lê Lợi thường cùng quân Lam Sơn phải ẩn náu trong rừng núi, nhiều lần phải
ăn rau củ và măng tre lâu ngày; có lần ông phải giết cả voi và ngay cả con ngựa
đang cưỡi của mình để cho tướng sĩ cùng ăn.
Trước
tình thế hiểm nghèo, Lê Lợi phải xin giảng hòa với quân Minh năm 1423. Đến năm
1424, khi quân lực và lương thực được củng cố, lại thấy quân Minh bắt giết sứ
giả, nên Lê Lợi liền tuyệt giao cắt đứt giảng hoà.
Vương Thông nghe tin hai đạo
viện binh bị đánh tan, sợ hãi xin giảng hòa để rút quân. Lê Lợi đồng ý cho giảng
hòa để quân Minh rút về nước. Ông cùng Vương Thông tiến hành làm lễ thề trong
thành Đông Quan, hẹn đến tháng chạp âm lịch năm Đinh Mùi (1427) rút quân về.
Lê Lợi đứng thay Trần Cảo là
người đang làm vua trên danh nghĩa, sai sứ dâng biểu cho nhà Minh xin
được phong. Vua Minh Tuyên Tông biết Lê Lợi không có ý lập tôn Cảo
nhưng vì bị thua mãi nên đồng ý phong cho Trần Cảo làm An Nam quốc vương.
Tháng chạp, Vương Thông rút
quân về nước. Các tướng muốn giết họ để trả thù tội ác đối với người Việt trong
suốt thời gian Việt Nam dưới ách đô hộ của triều Minh, Lê Lợi không đồng tình
vì muốn giữ hòa khí hai nước, cấp thuyền và ngựa cho quân Minh về.
Lê Lợi sai Nguyễn Trãi thảo
bài Bình Ngô đại cáo để bá cáo cho thiên hạ biết về việc đánh quân
Minh. Đây là áng văn chương nổi tiếng, rất có giá trị đời Lê, được coi là bản
tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam, sau bài thơ Nam Quốc Sơn Hà.
Trị vì:
Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế năm 1428,
tức là vua Lê Thái Tổ, chính thức dựng lên triều Hậu Lê. Ông khôi phục quốc
hiệu Đại Việt, đóng đô ở Thăng Long và đổi tên Thăng Long
thành Đông Kinh vào năm Thuận Thiên thứ hai (1430).
Các nhà nghiên cứu thống nhất rằng những sự
kiện mà Lê Lợi giết hại các triều thần thân tín, trên thực chất là kết quả của
sự thắng thế của phe Lê Sát trong triều đình mà thôi. Hơn nữa, những hành động
của vua Thái Tổ để bảo vệ sự thống trị của nhà Lê cũng mang tính hệ thống. Đầu
tiên là giết Trần Cảo. Sau đó giết Trần Nguyên Hãn là con cháu nhà Trần. Tất cả
những hành động đó đều nhằm khiến thiên hạ hết sự nhớ tiếc nhà Trần. Và Lê
Tư Tề cũng là nạn nhân trong đó.
Vua Lê Thái Tổ ở ngôi được 5 năm thì qua
đời vì bạo bệnh vào ngày 22 tháng 8
nhuận âm lịch năm 1433 Quý Sửu, hưởng dương 49 tuổi. Vì nhớ
công Lê Lai chết thay cho mình ở núi Chí Linh trước kia, ông dặn lại
đời sau phải giỗ Lê Lai trước khi giỗ ông một ngày. Bởi thế đời sau truyền lại
câu: "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi". Thật ra việc này có nhiều bí ẩn.
Lê Thái Tổ được an táng tại
Vĩnh Lăng, Lam Sơn. Thái tử Lê Nguyên Long 11 tuổi lên nối ngôi, tức là
vua Lê Thái Tông.
Sau thời kỳ độc lập hơn 400 năm kể từ thế kỷ
10, Đại Việt có nguy cơ trở lại thành quận huyện của Trung Hoa.
Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đã chấm dứt 20 năm cai trị của nhà
Minh tại Đại Việt và chấm dứt hẳn sự đô hộ của Trung Quốc thời phong
kiến. Bởi công lao to lớn đó của ông nên đời sau còn nhớ, dù nhà Lê khi bị nhà
Mạc cướp ngôi vẫn là một nguyên nhân khiến nhà Lê có thể trung hưng
(1533). Thậm chí ngay cả khi con cháu triều Lê không còn nắm được thực quyền
thì trên danh nghĩa vẫn là người đứng đầu thiên hạ. Chúa Trịnh sau
này làm phụ chính nhiều đời nhưng vẫn không dám cướp ngôi nhà Lê cũng bởi sợ dư
luận còn nhớ công lao giành lại độc lập cho đất nước của nhà Lê.
Về cai trị, ông cũng là người thiết lập lại
trật tự, quy củ của chế độ phong kiến các triều đại Lý, Trần trước đây mà các
thế hệ vua sau tiếp tục củng cố, phát triển cao hơn nữa.
Đến cuối đời, rất tiếc, ông đã có những quyết định sai lầm dẫn đến cái
chết của những trung thần như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Từ trước đó, khi về
trí sĩ, Trần Nguyên Hãn đã nói riêng với người thân cận: Nhà
vua có tướng như Việt vương Câu Tiễn, cho nên, ta không thể yên hưởng vui
sướng được. (Việt vương Câu Tiễn có tướng cổ dài, mép quạ, tức là
tướng chim ưng. Có thuyết cho rằng Trần Nguyên Hãn trực tiếp nói câu này với
Nguyễn Trãi.)
Tuy nhiên, xét về tổng thể Lê
Lợi vẫn là một vị vua tài năng, có công lớn trong việc đánh đuổi quân Minh,
giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam.
(Tổng
hợp theo Wikipedia)
Bia Vĩnh Lăng
LÁ SỐ TỬ VI:
Đây là lá số mẫu mực cho bộ Phi Phượng Hổ tại Mệnh.
-Lê Lợi Mệnh THÂN đồng cung VCD tại Dậu có Cự
Cơ xung, nói cách khác nội Âm Dương Lương, ngoại Cự Cơ Đồng khá phức tạp nên suốt
đời cũng không mấy yên thân. Con nhà hào phú giàu có nhờ song Lộc chiếu Mệnh
THÂN. Cự Kị chí hướng khác thường, phi
thường nhờ thêm Phi Phượng Quyền.
Dù có Hóa Kị nhưng đi với Tứ Linh lại hay,
gia thêm Quyền thành cách Quyền Khốc Phượng Kị uy danh phi thường kì lạ, bộ
Thanh Phi Phục hợp với Cơ Lương là lương dân hiền hòa nhưng có Cự Binh nên phải
khởi binh, vì thế mới gọi là anh hùng áo
vải. Cái xấu nơi đây chính là Cơ Tang Hổ Hỏa tại THÂN thì dù là con Hổ uy
thế gầm vang cũng khó mà tránh khỏi cái THÂN yểu thọ. Nhờ bộ Thanh Phượng Tuế ngài ghi danh lịch sử và mãi được tôn thờ.
Thêm nữa, từ Phụ Tử Nô thấy Lưu Quả Tấu Hồng
Ân Xương Cáo là khắc ghi những lời ca ngợi ân đức và công lao (Đà Lực) của
ngài, thực tế chính Nguyễn Trải đã soạn và cho khắc lên bia Vĩnh Lăng sau khi
ngài mất 2 tháng. Ta thấy Tử Vi hay kì lạ thật!.
-Đại vận
32-41, Thất Sát Đào Hoa chọn lựa chiếm đoạt, nói hay một tí là tạo ra cuộc chiến,
dù vậy với Triệt Đà gian khổ và thất bại không phải là ít, phải đến 10 năm sau (1428) vào vận Lương Quyền Phục mới đem yên bình trở lại. Khởi nghĩa, Cự Binh nhưng
qua tiểu vận Thiên Tướng (năm Mậu Tuất 1418) mới là khởi nghĩa thật sự, nhờ Tử Vi quyết
định hành động, gia thêm Kình Hình Linh mạnh mẽ hơn khi được Khôi Việt xúc tác
cho Mệnh Cự Cơ có cơ hội hành động chống phá. Phá dữ dội vì có Phá Quân gặp Đại
Hao rống lên tiếng “Sát”. Cũng là vận Sát Đào này nhưng nếu có Diêu Hư thì chỉ
biết sát gái thôi.
-Về việc sát hại công thần, Mệnh
VCD chi phối quá mạnh từ Di cung “Cát xứ tàng hung” Cự Tồn Kị và bọn Tả Hữu KK gây
thị phi, nên Lê Lợi đã làm điều sai trái Phi Liêm. Ở đây còn tiềm ẩn cách Kình
Đà hiệp Kị cho nên ngài cũng rất khổ tâm khi phải làm điều đó, hơn nữa Kị tạo
nên sự đa nghi quá mạnh cho VCD, nhất là Cự Môn có tính lo sợ . Sự lo lắng cho ngôi báu của con cùng với sự dèm pha, xúi bẩy của bọn xu
nịnh đã đưa Lê Lợi đến hành động sát hại hai công thần và cũng là hai người bạn
chiến đấu đã từng vào sinh ra tử hồi hồi bình Ngô là Trần Nguyên Hãn và Phạm
Văn Xảo.(theo Danh nhân Hà Nội).
-Năm Quý Sửu 1433, dù là đại vận
(42-51) có Âm Lương may mắn, nhưng bị Không Kiếp xung cũng đã làm thay đổi
lương tâm con người mang ngôi sao vốn dễ lo âu bất mãn và Kị hội chiếu thêm Lưu
Việt phát nạn, tiểu hạn tại Phối có Bệnh Phù Hư Hỏa Kiếp, với Cơ Tang lại gia
Lưu Tang bất lợi thêm Lưu Đà Hư, Kị lại gặp Triệt và Lưu Triệt xung. Ngài mất
vì bệnh hiểm nghèo. Để lại nỗi buồn đau cho đất nước Ấn Tang Kiếp.
Tật Ách cung Việt Linh Hình,
lại có Khoa nếu ở thời nay có thể sống nhờ phẩu thuật.