Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

Ns. VĂN CAO


Satrungkim có lời tặng ông

Ông Văn Cao ở trên cao
Tận Thiên Thai với những ả đào ngon tơ
Về trần choáng váng bất ngờ
Ngày đêm say xỉn đàn chờ Thiên Thai

Satrungkim vẽ Văn Cao (bằng đồ họa)
  



Tiểu sử

   Văn Cao tên thật là Nguyễn Văn Cao, sinh ngày 15 tháng 11 năm 1923 tại Lạch Tray (nay là phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền), thành phố Hải Phòng, nhưng quê gốc ở thôn An Lễ, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Xuất thân trong một gia đình viên chức, cha của Văn Cao vốn là giám đốc nhà máy nước Hải Phòng. Thuở nhỏ, Văn Cao hoc ở trường tiểu học Bonnal, sau lên học trung học tại trường dòng Saint Josef, là nơi ông bắt đầu học âm nhạc. Năm 1938, khi mới 15 tuổi, vì gia đình sa sút, Văn Cao bỏ học sau khi kết thúc năm thứ hai bậc thành chung. Ông làm điện thoại viên ở sở Bưu điện tại Hải Phòng, nhưng được một tháng thì bỏ việc.

  Văn Cao kết hôn cùng bà Nghiêm Thúy Băng năm 1947, có với nhau 5 người con, 3 trai đầu và 2 gái cuối.

   Cuối những năm 1930, tân nhạc Việt Nam ra đời. Ở Hải Phòng khi đó tập trung nhiều nhạc sĩ tiên phong như Đinh NhuLê ThươngHoàng Quý... Văn Cao tham gia vào nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý cùng Tô VũCanh ThânĐỗ Nhuận... và bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tay là Buồn tàn thu vào năm 16 tuổi. Cùng nhóm Đồng Vọng, Văn Cao còn sáng tác một số ca khúc hướng đạo vui tươi khác như Gió núi, Gò Đống Đa, Anh em khá cầm tay. Cũng trong thời gian ở Hải Phòng, Văn Cao làm quen với Phạm Duy, khi đó là ca sĩ trong gánh hát Đức Huy. Phạm Duy chính là người đã hát Buồn tàn thu, giúp ca khúc trở nên phổ biến. Năm 1940, Văn Cao có một chuyến đi vào miền Nam. Ở Huế, Văn Cao đã viết Một đêm đàn lạnh trên sông Huế, được coi là bài thơ đầu tay.

   Năm 1942, nghe theo lời khuyên của Phạm Duy, Văn Cao rời Hải Phòng lên Hà Nội. Ông thuê căn gác nhỏ số 171 phố Mongrant - nay là 45 Nguyễn Thượng Hiền - và theo học dự thính tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Văn Cao còn làm thơ, viết truyện đăng trên Tiểu thuyết Thứ Bảy. Năm 1943 và 1944, Văn Cao hai lần xuất hiện trong triển lãm Salon Unique tổ chức tại nhà Khai trí Tiến Đức, Hà Nội với các bức tranh sơn dầu: Cô gái dậy thì, Sám hối, Nửa đêm. Đặc biệt tác phẩm Cuộc khiêu vũ những người tự tử (Le Bal aux suicidés) được đánh giá cao và gây chấn động dư luận. Tuy được báo chí khen ngợi, nhưng tranh của Văn Cao không bán được. Ông trải qua một thời gian dài ở Hà Nội trong thiếu thốn. Cùng bạn bè, Văn Cao thường phải đứng bán các tác phẩm của mình trên các đường phố Hà Nội, Hải Phòng.

Sự nghiệp âm nhạc

   So với hai nhạc sỹ Việt Nam nổi tiếng khác là Phạm Duy có khoảng 1000 ca khúc và Trịnh Công Sơn với 600 ca khúc, Văn Cao sáng tác không nhiều. Sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao được chia làm hai mảng chính: tình ca và hùng ca. Ngoài ca khúc, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như Sông  Tuyến, Biển đêm, Hàng dừa xa... tổ khúc giao hưởng Anh bộ đội cụ Hồ...

Tình ca
   Trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, giống như những nhạc sỹ tiền chiến khác, Văn Cao viết các nhạc phẩm trữ tình, nhưng ít ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà mang nặng âm hưởng phương Đông. Từ ca khúc đầu tay Buồn tàn thu, Văn Cao đã sử dụng ngũ cung để viết về một hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật châu Á: người phụ nữ đan áo ngồi chờ đợi. Sau Buồn tàn thu, ông còn viết hai ca khúc khác về mùa thu là Thu cô liêu và Suối mơ. Trong đó Suối mơ vốn là một đoạn của bản Trương Chi 1 được Văn Cao phát triển thêm và cùng Phạm Duy hoàn tất. Bản Trương Chi nổi tiếng sau là Trương Chi 2.

   Bên cạnh đề tài mùa thu, Văn Cao cũng viết hai ca khúc nổi tiếng khác về mùa xuân là Cung đàn xưa và Bến xuân. Nhạc phẩm Bến xuân có sự tham gia của Phạm Duy, nhưng về sau Văn Cao viết lại lời mới cho ca khúc này và đặt tên Đàn chim Việt. Ngay từ những ca khúc đầu tiên, Văn Cao đã giành được thành công. Buồn tàn thu được biểu diễn trên các sân khấu hát rong và trên Đài Phát thanh Sài Gòn trong những năm 1944-1945, lúc tân nhạc còn mới phôi thai nên trở nên phổ biến. Suối mơ, Bến xuân được Phạm Duy đánh giá là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam.

   Nhưng hai tình khúc của Văn Cao được đánh giá cao hơn cả  là Thiên Thai và Trương Chi. Bản Thiên Thai được nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế in năm 1944, Văn Cao tự nhận mình là "Người sông Ngự", ghi: "Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người sông Ngự đã lạc mất cảm xúc rồi!". Lời bài hát được đề là của Văn Cao, Hoàng Thoái. Phạm Duy cho rằng Hoàng Thoái là bí danh của Đỗ Hữu Ích, một người bạn của Văn Cao. Sử dụng ngũ cung để viết về một câu chuyện cổ, Thiên Thai có tới 94 khuông nhạc, vừa mang tính trường ca, vừa mang tính nhạc cảnh. Năm 2001, khi phim Người Mỹ trầm lặng được thực hiện, Thiên Thai được sử dụng làm nhạc nền của bộ phim. Giống như Thiên Thai, Trương Chi cũng dựa trên tích chuyện cổ nhưng không phải là một truyện ca mà manh tính tự sự. Ca khúc này còn một đoạn lời nữa mà các ca sĩ thường không trình diễn: Từ ngày trăng mơ nước in thành thơ, Lạc loài hương thu thoáng vương đường tơ.... Hình ảnh Trương Chi trong bài hát cũng thường được so sách với hình ảnh của chính Văn Cao.

Hùng ca
   Ngay từ khi còn trong nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng, Văn Cao đã viết các ca khúc hướng đạo khoẻ khoắn. Cũng giống như các nhạc sĩ tiến chiến khác, Văn Cao sử dụng đề tài lịch sử để thể hiện tình ái quốc trong Gò Đống Đa, Hò kéo gỗ, Bạch Đằng Giang... Ngoài Tiến quân ca, ông còn sáng tác các hành khúc khác như Tiến về Hà Nội, Thăng Long hành khúc ca. Tham gia Việt Minh, Văn Cao sáng tác các ca khúc Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam,Không quân Việt Nam...

   Năm 1947, sau chiến thắng sông Lô, Văn Cao viết Trường ca Sông Lô, ca khúc ghi dấu ấn trong lịch sử tân nhạc. Phạm Duy viết: "Đó là tác phẩm vĩ đại... chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển Tây phương... Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc". Cũng theo ý kiến của Phạm Duy, Trường ca sông  phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung và Văn Cao là "cha đẻ" của hùng ca, trường ca Việt Nam.

   Sau năm 1954,  ngoại trừ Tiến quân ca, các ca khúc khác của Văn Cao không được trình diễn ở miền Bắc. Nhưng ở miền Nam, các ca sĩ hàng đầu của Sài gòn như Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thành vẫn trình diễn và ghi âm nhạc phẩm của Văn Cao. Ca khúc Không quân Việt Nam được sử dụng làm bài hát chính thức của Không lực Việt Nam Cộng hòa.
 (theo Wikipedia)
……

Và chừng như toàn bộ vết thương cuộc đời Văn Cao, vết thương cuộc đời dân tộc, bỗng mượn ngón tay ông mà nhỏ xuống cây đàn piano những giọt nước mắt giai điệu, khiến những vết thương chợt mở miệng ca hát: “Mùa xuân đầu tiên” 

Chừng như nỗi niềm ngày 30 tháng tư năm 1975: “có một triệu người Việt Nam vui thì cũng có một triệu người Việt Nam buồn” (lời ông cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt) đã hiện ra nơi bài hát: “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao? Trong bài hát ấy, kỳ lạ thay, tôi nghe có một nửa nước vui thắng trận trào nước mắt và một nửa nước buồn thua trận cũng trào nước mắt, chợt ôm chầm lấy nhau mà quằn quại, mà dằn vặt giằng xé nhau, cười khóc mếu máo bầm dập nhau, nên vui ấy sao buồn hiu hắt thế, lênh đênh phiêu bạt thế, nức nở nghẹn ngào thế? 

Có lẽ, chính vì những điều trên mà kiệt tác “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao sau khi được báo “Sài Gòn giải phóng” in trước tết Bính Thìn: 01-01-1976, được hát trên Đài Tiếng nói Việt Nam mấy lần liền bị cấm suốt 24 năm (1976-2000). Sinh thời, Văn Cao không được nghe, được nhìn thấy đứa con tinh thần lớn lao này của mình được trình diễn. Sau khi ông mất (1995) 05 năm, “Mùa xuân đầu tiên” mới ra khỏi nhà tù kiểm duyệt của chế độ.

  Xin quý bạn đọc hãy nghe nhà thơ, họa sĩ Văn Thao, con trai trưởng của nhạc sĩ Văn Cao kể sơ qua về sự ra đời của bài hát này:

“Sau khi bài "Tiến về Hà Nội" ra đời cuối năm 1949, bố bị đưa ra kiểm điểm và bị phê phán khắp nơi. Từ đó bố đã thề, sẽ không sáng tác ca khúc chính trị nữa... Nhưng rồi những năm tháng sau này đôi lúc hứng khởi bố vẫn sáng tác. Vẫn biết có sáng tác ra cũng chẳng được dàn dựng...

   Tôi còn lưu giữ được một số tác phẩm của ông sáng tác sau này nên tôi hiểu những điều ông nói. Giá như ông không bị rơi vào cái nạn “Nhân văn” và bị “vô hiệu hoá” mất 30 năm thì tôi chắc rằng ông sẽ còn sáng tác được thêm nhiều tác phẩm cho nền âm nhạc Việt Nam.

   Những ngày tháng sau đó, căn gác nhỏ nhà Văn Cao không lúc nào ngớt khách. Những khuôn mặt bừng sáng. Những nụ cười rạng rỡ. Những giọt nước mắt sung sướng bên những ly rượu tràn đầy và có cả những khuôn mặt, một thời không dám bước chân đến căn gác nhỏ này vì sợ “bị vỗ vai”.

   Văn Cao đã sáng tác xong ca khúc MÙA XUÂN ĐẦU TIÊN vào đúng dịp tết Bính Thìn.”

 Trích theo Trần Mạnh Hảo trong “ Văn Cao, một thiên tài bị lưu đày”







Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

đối tượng


  
ĐỐI TƯỢNG CỦA KHOA   TỬ VI



   Từ khởi thủy đến nay, khoa Tử Vi vẫn không thay đổi đối tượng : Tìm hiểu con người.

   Tác giả Khoa Tử Vi là đạo sĩ Trần Đoàn, sinh dưới thời nhà Tống. Ông này đã dựa vào Kinh Dịch cùng những khai triển về lý thuyết Âm Dương Ngũ Hành của Đổng Trọng Thư, một triết gia thời Hán, để lập ra khoa Tử Vi. Theo nguyên ngữ, danh từ Tử Vi không nói lên đối tượng khảo cứu, Tử là màu Tím, Vi là từ của vi diệu. Nhưng mục đích của Tử Vi là tìm hiểu con người và số phận con người, dựa trên hệ thống quy luật biến hóa của triết thuyết về Vũ Trụ thời đó. Dù căn bản triết lý của Tử Vi cao siêu, nhưng đối tượng chỉ nhắm vào con người mà thôi.

   Trong việc tìm hiểu này, Tử Vi có tham vọng khảo sát cả con người lẫn đời người, tức các chi tiết sau:      
     1. Đặc tính cá nhân của mỗi người, bao hàm các yếu tố :
      - Cơ thể
      - Tướng mạo
      - Tính tình
      - Bệnh tật

     2. Đặc tính gia đình :
      - Cha mẹ
      - Anh chị em
      - Vợ chồng
      - Con cái
      - Đời sống ngoại hôn

     3. Đặc tính kinh tế :
      - Nghề nghiệp
      - Tài lộc
      - Điền sản

     4. Đặc tính xã hội :
      - Môi trường sinh sống
      - Những mối giao thiệp

     5. Đặc tính dòng họ :
      - Phúc Đức
      - Ảnh hưởng của Phúc Đức
    6. Đặc tính vận số :
      - Các giai đọan của đời người.
      - Các biết cố lớn trong một khỏang thời gian.
Những ngộ nhận
Có người cho rằng Tử Vi là một học thuật giải đáp mọi bí ẩn về số phận con người, tiên liệu được mọi biến cố, đề ra các kết luận chính xác về cốt cách, nhân phẩm, tâm tính, gia đình, bè bạn, quan trường, tài sản,...gói ghém mọi thiên định của Trời Đất dành cho một cá nhân. Tử Vi chỉ cần mở lá số ra là có thể biết mọi việc quá khứ vị lai như: bao giờ phát tài, bao giờ cưới vợ, khi nào thì có con,...Quan niệm này đề cao quá đáng vai trò của Tử Vi, cho nó một giá trị huyền bí quá lớn. Các vì sao được xem như một vị thần hộ mệnh hay án mệnh mà không ai có thể cưỡng lại nổi. Và con người không thề chủ động tạo được tương lai của mình, mà phải chịu phó mặc cho thiên định.

Trái lại có người cho rằng Tử Vi là một dị đoan, mê tín, thậm chí là một tà thuật của những nhà bói tóan nhằm trục lợi trên tín ngưỡng của thiên hạ. Mọi luận đóan của Tử Vi đều là sai, không đáng tin cậy.

Hai ý kiến trên đều là những ý kiến phiến diện và hời hợt. Tử Vi thật sự không có một giá trị huyền bí nào, các vì sao trong Tử Vi không phải là những vị thần linh giám sát điều khiển vận mệnh con người gì cả. Đó chỉ là yếu tố có ảnh hưởng đến con người. Chứ không hề có sự điều khiển của đấng chí tôn nào cả. Các sao trong Tử Vi chỉ là các tên gọi biến kiến, mượn tên một vật thể để mệnh danh một yếu tố trong con người. Các sao trong Tử Vi là những danh từ chỉ mức năng lượng  trong cơ thể con người và chu kỳ họat động của nó, qua đó phân tích con người thành những yếu tố nhỏ rồi hợp lại.


( Hiện nay khoa học đã tìm được 3 mức năng lượng là: Trí Tuệ, Sức Khỏe và Tinh Thần, và có thể vẽ nó trên đồ thị hình SIN. Tử Vi có tất cả 118 mức năng lượng.)  (*)


GIÁ TRỊ HỮU CƠ

Giá trị Tử Vi được đặt trên nền tảng của học thuyết Âm Dương Ngũ Hành, và các yếu tố sao được gán cho nhiều ý nghĩa phức tạp khác nhau. Do đó, khi nói đến giá trị Tử Vi ắt phải nói đến giá trị học thuyết Âm Dương Ngũ Hành cũng như ý nghĩa các sao :

      1. Giá trị Tử Vi về mặt Âm Dương Ngũ Hành : Các qui tắc về Âm Dương Ngũ Hành vốn vô cùng phúc tạp, và khi áp dụng vào Tử Vi thì người ta chỉ rút ra được các qui tắc tổng quát nhất. Chiếu theo qui luật tương sinh tương khắc của Ngũ Hành, nên các giá trị của Tử Vi cũng sẽ bị thay đổi khi gặp phải các nhân tố khác, điều đó khiến cho Tử Vi vô cùng phức tạp và đôi khi thiếu các đáp số cụ thể. Đây là một trong những thiếu sót của Tử Vi. Và để khắc phục thiếu sót này, người ta thường kết hợp Tử Vi và Kinh Dịch để giải đáp về vận mệnh toàn cục hoặc cục bộ về con người.

      2. Giá trị các sao trong Tử Vi : Tử Vi có khoảng 118 sao, mỗi sao được gán cho nhiều ý nghĩa, và khi các sao kết hợp với nhau thì cũng cho ra các ý nghĩa khác. Nhìn chung, ý nghĩa các sao bao hàm hầu hết các biến cố của đời người. Biết được nhiều trường hợp cụ thể điển hình của đời người trong phạm vi tính tình, tướng mạo, bệnh tật, vợ chồng, con cái, sự nghiệp . . . một phạm vi lại diễn đạt nhiều uẩn khúc và nhiều tình trạng khác nhau. Tuy nhiên, dù ý nghĩa các sao có phong phú, tinh vi, bao hàm nhiều khía cạnh nhưng thực sự chưa nói hết chi tiết một đời người, chi tiết các biến cố. Và trình độ cụ thể của Tử Vi vẫn còn nhiều hạn chế nhất là ở các cung như : Phu Thê, Huynh Đệ. Tử Vi cũng không phân biệt các số mệnh cũng như các nhân sinh trùng giờ, người tu hành.

   Đó là những giá trị ưu khuyết của Tử Vi, và ta cũng không nên đòi hỏi quá nhiều vào một môn khảo sát con người còn sơ khai, tuy khoa Tử Vi có tham vọng đó.


Sưu tầm

(*)Chú thích của Satrungkim: đây là bài sưu tầm, đưa lên để gợi ý các bạn tham khảo, tuy một số chi tiết của bài viết, bản thân Satrungkim không chấp nhận. Nhưng cũng là một cái nhìn tương đối có phân tích về đối tượng nghiên cứu của Khoa Tử Vi.




Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

những cách nhìn...





TỬ VI
 NHỮNG CÁCH NHÌN KHÁC NHAU 
VỀ MỘT SỐ SAO
Tác giả: Mộc Công




1-Bộ Không Kiếp:
+ Bộ KK luôn đối xứng qua trục Tỵ Hợi, sao Địa Kiếp được an như sau:
-sinh tháng 1 an Địa Kiếp ở cung Tử Tức,
-sinh tháng 2 an ở cung Tài,
-sinh tháng 3 an ở cung Tật,
-sinh tháng 4 an ở cung Di,
-sinh tháng 5 an ở cung Nô,
-sinh tháng 6 an ở cung Quan,
-sinh tháng 7 an ở cung Điền,
-sinh tháng 8 an ở Phúc,
-sinh tháng 9 an ở Phụ,
-sinh tháng 10 an ở Mệnh,
-sinh tháng 11 an ở Huynh,
-sinh tháng 12 an ở Phu Thê.
Từ vị trí của Địa Kiếp lấy đối xứng qua trục Tỵ Hợi sẽ có sao Địa Không.

+ An Không Kiếp theo như trên sẽ cho ra kết quả y hệt như cách an cũ, nhưng sẽ cho thấy một cái nhìn khác về KK. Thật ra hai cách an là như nhau chỉ với suy luận toán học rất thuần túy. Nhưng qua đó tôi đã lĩnh ngộ ra rằng. KK nó chính là sự biểu hiện của Lệnh Tháng trên lá số. Nếu như ai có nghiên cứu Tử Bình hay Bốc Dịch sẽ biết tầm quan trọng của Nguyệt Lệnh. Trái với Nguyệt Lệnh thì suy, được Nguyệt lệnh sinh phù thì vượng. KK tượng cho sự vất vả, cực khổ, lúc nào cũng phải lo toan, nó đóng ở cung nào thì cung đó sẽ có sự khó khăn, vất vả, nếu đi kèm những sao xấu khác thì nó còn báo hiệu sự nguy hiểm đến tính mạng. Hai sao này khởi an từ cung Hợi, tức là nơi Thiên Môn, nếu ai biết Lục Nhâm chắc chắn sẽ biết sự quan trọng của cung này khi an vòng Quý Nhân. Như vậy từ cách an của KK ta thấy được một cái gạch nối giữa Tử Vi-Tử Bình-Lục Nhâm. Phải chăng có một môn nào đó cao hơn 3 môn này bao trùm tất cả chăng? Có lẽ là Thái Ất.

2 - Bộ Xương Khúc:
+ Tương tự như vậy, bộ Xương Khúc khởi từ hai cung Thìn Tuất và sao Văn Xương được an theo tháng sinh như sau:
- tháng 1 an ở cung Tài,
-tháng 2 an ở cung Tật,
-tháng 3 an ở cung Di,
-tháng 4 an ở cung nô,
-tháng 5 an ở cung Quan,
- tháng 6 an ở cung Điền,
-tháng 7 an ở cung Phúc,
-tháng 8 ở Phụ Mẫu,
-tháng 9 ở Mệnh,
-tháng 10 ở Huynh,
-tháng 11 ở Phu Thê,
-tháng 12 ở Tử Tức.
  Từ vị trí của Xương có thể dễ dàng an sao Khúc. Hãy tự kiểm nghiệm, các bạn sẽ thấy kết quả hoàn toàn y như cách an cũ.

+ Từ cách an cung Mệnh và các sao an theo giờ, tôi đã nghiệm ra các sao an theo giờ sinh tất cả đều có 1 phiên bản an theo tháng sinh và cho kết quả hoàn toàn tương tự như cách an cũ.

    Như vậy thật ra mà nói trong Tử Vi quan trọng nhất chính là Nguyệt Lệnh, và Nhật chủ dùng để an 12 cung, 14 chính tinh và những phụ tinh quan trọng. Trong đó 12 cung và 14 chính tinh cần dùng đến Nhật chủ, Nguyệt Lệnh, Giờ Sinh và Thiên can của năm sinh. Còn những phụ tinh quan trọng an theo giờ sinh thật ra là những sao an theo tháng sinh như vậy nó chính là sự bổ sung cho thấy vai trò của Nguyệt Lệnh trong lá số.

    Qua đó có thể thấy những môn lý học tưởng là dị biệt chẳng quan hệ gì với nhau nhưng nó lại có những gạch nối thật tài tình nếu quan sát và suy ngẫm kĩ lưỡng. Qua đó có thể chăng là một môn dự báo thống nhất bao trùm lên tất cả những môn này đã từng tồn tại? Chỉ là một câu hỏi dành cho suy ngẫm...

3. Trục Thìn Tuất, trục Tỵ Hợi và Không Kiếp
    Ngày đông chí là ngày nhất dương sinh, ngày ngăn nhất, đêm dài nhất. Tượng cho vạn vật bắt đầu sinh sôi. Xác định đúng ngày đông chí là việc làm quan trọng nhất của Thiên quan khi xưa, vì vào ngày này Vua phải làm lễ tế Giao-là lễ tế lớn nhất trong năm.

    Vào ngày đông chí thì Mặt Trời mọc lên từ cung Thìn, cho nên rồng mặt trời tượng cho Vua. Do ngày ngắn nhất cho nên mãi không sáng được, thành ra người xưa gọi đó là cung Thiên La tức là lưới trời giam giữ không cho mặt trời mọc.

    Ngày Hạ chí là ngày nhất âm sinh, ngày dài nhất đêm ngắn nhất. Mặt Trời vào ngày này lặn ở cung Tuất, và mãi mới lặn được cho nên gọi cung Tuất là cung Địa Hộ hay Địa Võng.

    Thiên La, Địa Hộ là nơi cổng trời, thiên thần thường hay đi về, được canh giữ ở hai vị hung thần là Thiên Khôi và Hà Canh. Khôi Canh ở đâu, quý nhân không đến, vì đấy là nơi hung hiểm nghiêng lệch của trời đất.

    Thiên văn học hiện đại thì xác định trục Thìn Tuất chính là Hoàng đạo.

- Ngày / Năm là Giáp Kỷ thì Giờ /Tháng Thìn có can Mậu
- Ngày / Năm là Ất Canh thì Giờ /Tháng Thìn có can Canh
- Ngày / Năm là Bính Tân thì Giờ /Tháng Thìn có can Nhâm
- Ngày /Năm là Đinh Nhâm thì Giờ /Tháng Thìn có can Giáp
- Ngày /Năm là Mậu Quý thì Giờ /Tháng Thìn có can Bính

    Cho nên có thể thấy Thìn chính là nơi hợp hóa trường sinh của Ngũ Hành, còn Tuất là nơi tuyệt. (Ngày /Năm là Giáp Kỷ thì Giờ /Tháng Tuất có can Giáp, các trường hợp khác cứ tương tự mà suy).
    Trục Thìn Tuất là vậy, là nơi đi về của các thần, chắc vì vậy mà nó là nơi khởi đầu an cho rất nhiều tinh đẩu quan trọng trong Tử Vi.

    Lệch xuống phía Bắc 18 độ so với Tuất là cung Hợi, nơi hoàn toàn u minh sau khi ngũ hành đã diệt, đó là nơi khởi hai sao Không Kiếp. Giờ Tý là nhất dương sinh, đến giờ Mão là Dương Minh, giờ Ngọ là nhất âm sinh, đến giờ Dậu là âm minh; cho nên vào 4 giờ này KK hoặc đồng cung hoặc xung chiếu để cho thấy sự nghiêng lệch về âm dương trong lá số. KK nếu nhìn theo cách an giờ sinh là vậy, còn nhìn theo cách an tháng sinh để thấy được sự trái ngược lệnh tháng trên lá số ảnh hương mạnh ở cung nào, về lục thân thì ở đâu.

    Lá số đã có Xương Khúc thì ko bao giờ có Không Kiếp. Những người có tứ trụ Thuần Dương thì Mệnh Tài Quan trong Tử Vi có đủ Xương Khúc, Tả Hữu, Tứ Trụ thuần âm thì chỉ có KK mà không có Xương Khúc Tả Hữu. Tử Vi cho rằng TH, XK là cát, KK là hung; nhưng Tử Bình thì cho rằng thuần âm thuần dương đều là không tốt. Mâu thuẫn chăng??

    Không mâu thuẫn, vì thật ra TH, KK, XK nó cho biết sự vượng của lệnh tháng nghiêng hẳn về bên nào trong lá số tử vi, cho nên Tử Vi hay Tử Bình cần phải xem xét thật kỹ, Tả Hữu Xương Khúc chưa chắc đã cát, Không Kiếp chưa chắc đã hung. Quân bình âm dương chưa chắc đã cát, âm dương xô lệch chưa chắc đã hung.

4. Vòng Thái Tuế:
    Vì 14 Chính tinh không cần dùng đến chi của năm sinh để an, và vòng Thái Tuế cùng những sao ăn theo như Đào Hồng chính là một số ít sao phải dùng đến Địa Chi của năm sinh mà an. Cho nên vòng Thái Tuế nó tiêu biểu cho ảnh hưởng của địa chi lên lá số, ảnh hưởng này không thể coi nhẹ.

    Chỉ có Tử Vi Việt là đưa đủ vào 12 sao của vòng Thái Tuế. Và đặc biệt Tử Vi Việt còn có thêm sao Thiên Không luôn an cùng Thiếu Dương. Tất cả những sách Tử Vi được xem là chính tông đều ghi chép vòng Thái Tuế gồm có 5 sao: Thái Tuế, Tang Môn, Bạch Hổ, Điếu Khách và Quan Phù. Không hiểu từ đâu và do ai mà vòng Thái Tuế của Tử Vi Việt có đủ 12 sao kèm theo sao Thiên Không. Trong khi đó sao Thiên Không của Tử Vi bắc phái chính là sao Địa Không của Tử Vi Việt.

    Những sao ăn theo Tử Vi gồm có Đào Hoa, Hồng Loan, Long Trì, Phượng Các, Kiếp Sát, Thiên Mã, Thiên Khốc, Thiên Hư.Những sao này hợp với vòng Thái Tuế để tạo ra những cách cục rất đặc trưng, mệnh có Thái Tuế tất có Long Phượng mà không có Đào Hồng, mệnh thân tạo thành thế Tang Mã Khốc Hư,... từng cách cục này có ảnh hưởng rất mạnh lên toàn bộ lá số.

    Ngay như 12 sao của vòng Thái Tuế khi dùng để luận đoán chủ yếu chỉ dùng đến 5 sao đã kể trên kèm theo Khốc Hư, Đào Hồng, Long Phượng, và Thiên Mã, những sao như Tứ Đức, Kiếp Sát, Thiếu Dương, Thiếu Âm, ... hầu như rất ít dùng để luận đoán vì tính chất của nó không rõ ràng, mỗi người nói mỗi kiểu, đến khi xảy ra vận hạn không giải thích được thì lại cứ viện vào những sao này để lí giải, thật là rối rắm đâu thể nào làm khuôn mẫu được.

    Cho nên dựa trên những nghiệm lý trên có lẽ khi xem Tử Vi chúng ta nên làm theo nguyên tắc là 1 nhóm nhỏ các sao quan trọng sẽ quyết định đến 90% thông tin về lá số, tất cả những sao còn lại chỉ là sự phụ trợ thêm mà thôi. Những sao quan trọng này bao gồm: 14 chính tinh, lục sát, Tả Hữu Xương Khúc Khôi Việt,Tứ Hóa, Thái Tuế và những sao đi theo, Lộc Tồn và một số sao đi theo. Nó là xương sống của Lá số, còn những sao còn lại chỉ là phụ trợ. Xem như vậy sẽ đơn giản hơn cho người học, mà thông tin luận đoán cũng sẽ chính xác hơn.

    Lá số Tử Vi nó là tổng hợp tương tác của Năm, Tháng, Ngày, Giờ lên Lá số, trong đó chỉ duy nhất có 14 chính tinh là phải dùng hết cả 4 tương tác. Các sao theo Giờ, Tháng thực chất là tương đương nhau, qua đó chúng ta có thể thấy những sao đó là thông nhất của 2 dữ kiện Giờ và Tháng. Còn lại địa chi năm sinh đó là Thái Tuế.

5. Tả Hữu và chữ "ĐỚI" trong Ngũ Hành:

    Như đã viết ở trên, Tả Hữu khởi an ở hai cung Thìn Tuất theo tháng sinh. Ý nghĩa của hai cung Thìn Tuất cũng đã nói rõ một cung là nơi mặt trời mọc vào ngày Đông Chí, một nơi là mặt trời lặn vào ngày Hạ Chí, một nơi là Thủy vượng, một nơi là Hỏa vượng. Tính của Thủy là nhuận hạ, tính của Hỏa là viêm thượng cho nên Tả Phù khởi ở Thìn được xem là thuận, biểu lộ cho một tính cách nhẹ nhàng, tượng cho Văn còn Hữu Bật khởi ở Tuất được xem là nghịch, biểu lộ cho sự mạnh mẽ, tượng cho Võ.

    Khởi từ cung Thìn coi là tháng Giêng, ngày đông chí lại luôn rơi vào thàng Tý trong tự nhiên, cho nên tháng 1 của sao Tả Phù chính là tháng Tý trong tự nhiên, tháng mà Thủy cực vượng. Tương tự như vậy tháng 1 của Hữu Bật chính là tháng Ngọ, khi mà Hỏa cực vượng. Đặc tính của Thủy và Hỏa đều là sự nhanh nhẹn, và quyết liệt, cho nên khi Mệnh ở Thìn Tuất có Tả Hữu đó là người rất tháo vát và nhiều câu phú của Tử Vi khi nói về Tả Hữu cũng nói về tính tháo vát khi có Tả Hữu đóng mệnh.

    Tả Hữu vốn hành Thủy, Hữu Bật vốn hành Hỏa. Đến tháng trọng xuân trong tự nhiên (tức là tháng 2) hay là tháng 4 của Tả Hữu thì Tả Hữu đồng cung tại Mùi. Đến tháng trọng thu trong tự nhiên (tức là tháng 8) hay là tháng 10 của Tả Hữu thì Tả Hữu đồng cung tại Sửu. Trọng xuân thì mộc vượng, cho nên người có tướng Mộc cách thì đầy đặn, cao; phú Tử Vi cũng có câu Tả Hữu cư Mệnh vi trọng hậu, đó chẳng phải là để chỉ người Mộc vượng đó ư. Ngược lại trọng Thu thì kim vượng, chủ về cứng rắn quyền hành, cho nên phú Tử Vi cũng có câu nói Tả Phù, Hữu Bật vị đến tam thai, đây chẳng phải là tính của Kim ư. Như vậy bản thể Ngũ Hành của Tả Hữu cũng thay đổi theo 4 điểm quan trọng nhất của một năm : trọng xuân, trọng thu, trọng hạ và trọng đông. Tại 4 vị trí này Tả Hữu đều ở những cung Tứ Mộ, cho nên mới nói 4 mộ cung Ngũ hành tạp vì tàng chứa đầy đủ ngũ hành. Và để mô tả cho Ngũ Hành có sự biến động, người xưa dùng chữ ĐỚI, và đó cũng là nguyên nhân vì sao một số sách Tử Vi ghi Hữu Bật hành Thổ đới Hỏa, và nhiều ví dụ khác.

    Qua đó cũng có thể thấy, khi xem về Tả Hữu, cần biết rõ, tháng sinh của mình để an Tả Hữu tương ứng thật sự với tháng nào trong tự nhiên để đoán về tính cách của Tả Hữu. Ví dụ sinh tháng 9 âm, Tả Phù an ở Tý, tháng 9 của Tả Hữu tức là tháng 7 trong tự nhiên, Kim vượng, lúc này nếu có Tả Hữu thủ Mệnh nó sẽ mang đặc tính của quyền lực, đương số sẽ không còn tính trọng hậu nữa mà sẽ là người quyền bính, cứng rắn, đặc tính này gia giảm, tăng lên và biến đổi còn phải tùy thuộc và chính tinh đi kèm. Tả Hữu lúc này sẽ có đặc điểm của một quyền tinh.

    Như vậy cầm một lá số Tử Vi lên, nhìn vị trí của Tả Hữu có thể cho ta thấy cả một sự biến đổi của Ngũ Hành trên lá số, một bức tranh của Nguyệt lệnh.

6. Xương Khúc

    Xương Khúc như đã nói ở trên nó chính là cặp sao đối chọi với Không Kiếp. Đã có Không Kiếp ở Mệnh tất không thể có Xương Khúc, cả 4 sao đều có thể an theo cả ngày sinh và tháng sinh. Không Kiếp là sát tinh hạng nặng vậy còn Xương Khúc thật sự là gì, liệu nó có mang cái ý sát tinh hay không?

    Xương Khúc nổi bật nhất của nó là vai trò hỗ trợ giống như Tả Hữu và Không Kiếp, đi kèm nhiều cát tinh thì sẽ tăng sự cát lên, đi kèm nhiều hung tinh thì Xương Khúc sẽ hỗ trợ cho cái hung, ví dụ đi kèm chính tinh miếu vượng Nhật Xương vị đến Tam thai, đi kèm dâm tinh Xương Riêu là cách dâm dật.... như vậy bản chất của Xương Khúc không phải cát không phải hung mà phải xem nó đi kèm cùng những tinh đẩu nào để mà luận đoán. Đó là đặc tính nổi bật của Xương Khúc.

    Xương Khúc có hoàn toàn như nhau? Không hoàn toàn như nhau. Cả 2 sao đều mang nghĩa là duyên dáng có tài ăn nói khi đi kèm những sao hùng biện như Thái Tuế, Lưu Hà, nhưng Văn Xương nó còn mang nghĩa là bằng sắc trong khi Văn Khúc thì không? Sao Văn Xương luôn có Thai, Cáo đi cùng đó là chỉ bằng sắc, ấn tín tài năng đã được công nhận một cách chính thức.

    Ngoài ra an theo Xương Khúc còn có bộ Quang Quý chủ về quý nhân ân điển. Như vậy chỉ một bộ Xương Khúc mà đã có đến 4 sao an theo Thai Cáo Quang Quý, Tả Hữu thì có Thai Tọa an theo, trong khi đó KK lại chẳng có sao nào an theo nó cả. Khởi an từ trục Tỵ Hợi là nơi nghiêng lệch hẳn về âm dương, còn trục Thìn Tuất là nơi nhất âm nhất dương sinh nơi La Võng kìm hãm, đó chính là đặc điểm nổi bật của KK là sự mạnh liệt và nhanh bất ngờ, còn của Xương Khúc Tả Hữu là sự từ từ nhưng vững chãi. Tử Vi là vậy làm gì có chuyện cát tinh cứu giải, hung tinh gây họa, sao nào cũng là hung mà cũng là cát, chúng tổ hợp hòa quyện vào nhau khăng khít để tạo nên sự mã hóa tuyệt vời cho số mệnh của con người thông qua năm, tháng, ngày , giờ sinh... 

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu Lý học Đông Phương






Thứ Sáu, 18 tháng 10, 2013

LỊCH SỬ TỬ VI (4)





VIII. Dị biệt chính, Nam phái


1.- Sự khác biệt về số sao

a/. Bộ Tử-vi chính nghĩa
Được coi như là chính thư. Không nói về số sao. Song trong mục dạy an sao có 93 sao, đó là:
- Các chòm:
-Tử-vi: 6 sao là Thiên-cơ, Thái-dương, Vũ-khúc, Thiên-đồng, Liêm-trinh.
-Thiên-phủ: 8 sao là Thiên-phủ, Thái-âm, Tham-lang, Cự-môn, Thiên-tướng, Thiên-lương, Thất-sát, Phá-quân.
-Thái-tuế: 5 sao là Thái-tuế, Tang-môn, Điếu-khách, Bạch-hổ, Quan-phù.
-Lộc-tồn: 17 sao là Lộc-tồn, Kình-dương, Đà-la, Quốc-ấn, Đường-phù, Bác-sĩ, Lực-sĩ, Thanh-long, Tiểu-hao, Tướng-quân, Tấu-thư, Phi-liêm, Hỉ-thần, Bệnh-phù, Đại-hao, Phục binh, Quan-phủ.
-Trường-sinh: 12 sao là Trường-sinh, Mộc-dục, Quan-đới, Lâm-quan, Đế-vượng, Suy, Bệnh, Tử, Mộ, Tuyệt, Thai, Dưỡng.

-Các sao an theo tháng: 7 sao Tả-phụ, Hữu-bật, Tam-thai, Bát-tọa, Thiên-hình, Thiên-riêu, Đẩu-quân.

-Các sao an theo giờ: 8 sao Văn-xương, Văn-khúc, Ấn-quang, Thiên-quý, Thai-phụ, Phong-cáo, Thiên-không, Địa-kiếp.

- Tứ trợ tinh: 4 sao là Hóa-quyền, Hóa-lộc, Hóa-khoa, Hóa-Kị.

- Các sao an theo chi: 17 sao là Long-trì, Phượng-các, thiên-đức, Nguyệt-đức, Hồngloan, Đào-hoa, Thiên-hỉ, Thiên-mã, Hoa-cái, Phá-toái, Kiếp-sát, Cô-thần, Quả-tú, Hỏatinh, Linh-tinh, Thiên-khốc, Thiên-hư.

- Các sao an theo can: 5 sao là Lưu-hà, Thiên-khôi, Thiên-việt, Tuần-không, Triệt -không.

- Các sao cố định: 4 sao là Thiên-thương, Thiên-sứ, Thiên-la, Địa-võng.

b/.Bộ Triệu Thị Minh Thuyết Tử-vi kinh
Đều ghi có 93 sao, giống như bộ Tử-vi chính nghĩa.

c/.Bộ Tử-vi đại toàn
Ghi rõ ràng rằng: trong lá số phải có 93 sao như Hi-Di tiên sinh, kỳ dư an thiếu, đủ hay khác đi đều là tạp thư, ma thư của bọn đạo sĩ bịa đặt để lừa nhau, còn giả đạo đức, tỏ ra là người bác học, song chẳng qua là phường lưu manh!

d/.Bộ Tử-vi Đẩu-số toàn thư
Nói về số sao rất lờ mờ. Phần dạy cách an sao có ghi rõ 85 sao. Các sao cũng giống như ba bộ trên. Duy thiếu các sao sau đây: Đào-hoa, Phá-toái, Kiếp-sát, Cô-thần, Quả-tú, Lưu-hà. Nhưng khi đọc bài phú nói về các sao, thì lại thấy nói tới Đào-hoa, Ân-quang, Thiên-quý v.v...

e/.Bộ Đông-a di sự
Thấy ghi đúng 93 sao như bộ trên, nhưng khi xét các lá số để chiêm nghiệm thì thấy thiếu các sao: Bác-sĩ, Thiên-la, Địa-võng, Thiên-thương, Thiên-sứ. Có lẽ các Tử-vi gia đời Trần quan niệm rằng các sao trên đều ở vị trí cố định, nên không cần an vào như sao Bác-sĩ bao giờ cũng đóng chung với sao Lộc-tồn. Sao Thiên-thương bao giờ cũng ở cung Nô, sao Thiên-sứ bao giờ cũng ở cung Tật-ách và sao Thiên-la bao giờ cũng ở cung Thìn cũng như sao Địa-võng bao giờ cũng ở cung Tuất.
Ở trên là các bộ chính thư.

Dưới đây là các bộ tạp thư.

f/.Bộ Tử-vi Ấm-dương chính nghĩa Bắc-tông
Thấy ghi đến 104 sao. Các sao cũng như giống như chính thư về số sao cũng như cách an sao, song thêm các sao sau đây: Thiên-tài, Thiên-thọ, Thiên-trù, Thiên-y, Thiên-giải, Địa giải, Giải-thần, Thiên-lộc, Lưu-niên văn tinh, Thiên-quan quý nhân, Thiên-phúc quý nhân.

g/.Bộ Tử-vi âm-dương chính nghĩa Nam-tông
Ghi tới 128 sao, các sao cũng giống như sao Bắc-tông, nhưng thêm 24 sao là Thái-túc, Niên-xá, Thiên-khôi, Nguyệt-khôi, Niên-thổ-khúc, Nguyệt-thổ-khúc, Thiên-thương (Nghĩa là kho lúa khác với Thiên-thương ở cung Nô, như vậy trong lá số có hai sao Thiên-thương). Thiên-phủ-khố, Thiên tiễn, Hồng-diệm, Địa-không, Phù-trầm, Sát-nhận. Vòng Thái-tuế được thêm vào 7 sao nữa cho đủ 12 sao, đó là các sao Thiếu-dương, Thiếu-âm, Tử-phù, Tuế-phá, Long-đức, Phúc đức, Trực-phù, Tứ-phi-tinh, Thiên-trượng, Thiên-dị, Mao-đầu, thiên-nhận.

h/.Bộ Tử-vi thiển thuyết gồm 128 sao
Giống như bộ Nam-tông nhưng thêm vào 13 sao nữa rất quái dị, không có trong thiên-văn mà chỉ có trong tiểu thuyết thần kỳ chí quái, ma trâu đầu rắn. Đó là các sao: Nam-cực, Đông-đẩu tinh-quân, Bắc-đẩu tinh-quân, Nam-đẩu tinh-quân, Cửu-thiên huyền nữ, Dao-trì kim mẩu, Vũ-tinh, Lôi-tinh, Thiên-vương tinh, Địa-tạng tinh, Thái-bạch kim tinh.

i/.Lịch số Tử-vi toàn thư
Số sao cũng giống như bộ Tử-vi thiển thuyết song dạy an sao ngược với các bộ trên. Như sao Trường-sinh không những chỉ an ở Dần, Thân, Tî, Hợi mà còn thấy ở Tý, Ngọ, Mão, Dậu. Vòng Tử-vi an xuôi, vòng Thiên-phủ an ngược. Số sao cũng có 128 mà thôi.

2.- Sự khác biệt về sao lưu niên
*Chính thư
Các sao lưu niên đều an giống nhau, số sao cũng giống nhau:
-Vòng Lộc-tồn với 15 sao không có Quốc-ấn, Đường-phù. (Bộ Tử-vi đẩu số toàn thư chỉ nói đến hai sao Kình, Đà thôi)
- Thiên-khôi, Thiên-việt, Thiên-mã, Thiên-khốc, Thiên-hư và vòng Thái-tuế 5 sao, Vănxương, Văn-khúc. Tất cả 27 sao.

*Tạp thư
Vẫn gồm các sao như bộ chính thư nhưng thêm: Hỏa-huyết, Lan-can, Quân-sách, Quyện thiệt, Bạo-tinh, Thiên-ách, Thiên-cẩu, Huyết-nhận, Huyết-cổ, Ngũ-quỷ và vòng Trường sinh 12 sao.

3.- Sự khác biệt về đại hạn
Chính phái an đại hạn như sau:
- Từ lúc đẻ ra tới số cục thì đại hạn an tại cung Mệnh.
- Đại hạn thứ nhất sẽ an vào cung phụ mẫu, hoặc huynh đệ.

Tỷ như: Người Hỏa-lục-cục, thì từ 1 tới 5 tuổi thì đại hạn ở cung Mệnh. Từ 6 tuổi trở đi thì đại hạn ở cung Huynh đệ hoặc Phụ-mẫu.

- Nhưng Nam phái lại an ngay đại hạn thứ nhất ở cung Mệnh, rồi đại hạn thứ nhì ở cung Phụ mẫu hoặc Huynh đệ. Như vậy từ lúc đẻ ra tới số tuổi “số cục” không có đại hạn.

     Sự khác biệt này, đã khiến cho Nam phái phải đi tìm nhiều sao khác, hoặc nhiều thuật khác, để đoán cho đúng, nhất là đoán vận hạn chết rất quan trọng. Bắc phái đoán rất trúng, nhưng theo Nam phái lại khó khăn. Sự khác nhau về hạn, khiến cho Nam phái không dùng bài phú đoán của Hy-Di tiên sinh được. Bởi phú đoán thì an đại hạn theo Bắc phái. Những người học theo Nam phái thường tỏ ý nghi ngờ các bài Phú. Họ phải dò dẫm, tìm hiểu lâu năm mới đưa ra lối giải quyết. Trong khi những người học theo Bắc phái, thì ngay sau khi học an sao, học có thể học cách giải đoán bằng cách xử dụng phú đoán được.

Tỷ dụ: Chính phái đoán số Hạng Vũ, căn cứ vào phú đoán:
Hạng Vũ anh hùng hạn ngộ Thiên-không nhi táng quốc. Thạch Sùng hào phú, vận phùng Địa-kiếp dĩ vong gia. Nghĩa là Hạng Vũ anh hùng nhưng hạn ngộ Thiên-không nên mất nước. Thạch Sùng giàu có nhưng hạn gặp Địa-kiếp nên tan nhà nát cửa. Nếu xét theo Nam phái thì câu phú trên không đúng được:

- Thứ nhất, theo Bắc phái chỉ có sao Thiên-không, Địa-kiếp đi đôi với nhau, không có sao Địa-không. Sao Thiên-không không đóng ở vị trí sao Địa-không của Nam phái và không có sao Thiên-không trước Thái-tuế một cung. Hạng Vũ, đại hạn tới Dần gặp Địa-kiếp, tiểu hạn ở Thân gặp Thiên-không. Đại, tiểu hạn Kiếp, Không gặp nhau nên táng quốc. Dù đại hạn có Đồng, Lương, Quyền cũng không giải nổi. Bàn về số Thạch Sùng cũng tương tự. Nếu đoán theo Nam phái bài phú trên cũng không đúng:

- Đại hạn đang tới cung Mão, gặp Thái-tuế, mà Thiên-không đóng ở Thìn.
Như vậy không có vụ Hạng Võ chết về Kiếp, Không lâm nạn, Sở vương táng quốc. Mà chỉ có việc Hạng Võ gặp hạn Địa-không ở Thân mà thôi.

     Hồi còn ở Việt-nam, chúng tôi dạy Tử-vi cho các vị yêu khoa này, thường thì những vị chưa biết gì học mau hơn. Còn các vị học theo Nam phái, học thêm mấy chục bài phú nữa, mất công chỉnh đốn lại. Bởi vậy chúng tôi có lời khuyên: Các vị học theo Nam phái thì không nên học những bài phú của Hy-Di, mà học các bài phú của Ma-Y thuộc Nam phái mà thôi. Nếu không đầu óc sẽ lộn tùng phèo.

4. Sự khác biệt về an sao
Trong 93 tinh đẩu không có sự khác biệt. Nhưng duy sau này những bộ tạp thư đưa ra an những sao mới, hoàn toàn do họ đặt ra, có sự quái gở khi an vòng Trường-sinh: Họ khởi Trường-sinh ở cả Tý, Ngọ, Mão, Dậu.

Về an Khôi, Việt thì chính thư, tạp thư chỉ khác nhau có tuổi Canh mà thôi: Chính thư Khôi ở Sửu, Việt ở Mùi. Trong khi tạp thư thì cho ở Dần, Ngọ. Về an tứ hóa: Tuổi Canh cũng bị lộn như Hóa-lộc đi với Thái-dương, Hóa-quyền đi với Vũ-khúc, Hóa-khoa đi với Thiên-đồng, Hóa-kị đi với Thái-âm. Trong khi tạp thư Hóa-khoa đi với Thái-âm, trong khi Hóa-kị đi vối Thiên-đồng.

5. Đối với sách Tử-vi hiện tại
Trừ bộ Tử-vi đẩu số toàn thư do Vũ Tài Lục lược dịch, một vài đoạn đúng với chính thư, còn các sách khác, chúng tôi không tiện phân tích xem sách của vị nào ảnh hưởng của phái nào bên Trung-quốc! Vân Điền Thái Thứ Lang là một đại đức Phật giáo, ông bị tử nạn xe hơi đã lâu, nên chúng tôi có thể bàn về sách của ông: Rất gần với chính phái. Ông Vũ Tài Lục là con của cụ Kép Nguyễn Huy Chiểu, hiện ở Hoa-kỳ. Còn ông Nguyễn Phát Lộc với chúng tôi có chút duyên văn nghệ, trước đây ông là phó Đặc-ủy trung ương tình báo VNCH, không rõ nay ở đâu, nếu ông còn ở Việt-nam thì có lẽ đã bị giết rồi.

Chúng tôi quan niệm: Dù tất cả Tử-vi gia thuộc phái nào đi nữa, cũng cần có kinh nghiệm. Về phương diện nghề nghiệp, họ phải dùng Tử-vi làm kế sinh nhai là điều bất đắc dĩ, bới bỏ tâm não ra, an sao, chấm số, giải đoán một lá số Tử-vi không tiền nào, bạc nào trả họ nổi cả. Dù không trả tiền với tinh thần khoa học, họ cũng say mê nghiên cứu.
 Chính chúng tôi kiếm tiền rất dễ dàng, nhưng khi thấy một lá số kỳ lạ, cũng chẳng ngần ngại gì mà không bỏ ra cả ngày để nghiền ngẫm cho ra nguyên lý.



IX.- Kết luận

       Tử-vi không phải là một khoa học độc lập, nó là kết tinh trong nhiều khoa học khác trong học thuật tư tưởng Á-châu. Người sáng lập ra không phải là Hy-Di tiên sinh. Ông chỉ là người kết hợp các khoa lại. Chính ông, ông cũng công nhận khoa này có trước ông. Ông chỉ là người bổ túc và đưa nó trở thành một khoa nổi tiếng.

     Khoa Tử-vi truyền vào Đại-Việt thời Lý do Trần Tự Mai, hay Hoàng Bính mang vào không cần thiết. Dù Tự Mai hay Hoàng Bính thì Tử-vi đó cũng thuộc chính phái. Nhưng bí truyền trong dân gian. Đợi mãi đến khi ông Lê Quý Đôn đi sứ Trung-hoa về mang theo bộ Tử-vi của Nam phái, bấy giờ khoa Tử-vi mới được đại chúng hóa. Nhưng cũng chính vì vậy khoa Tử-vi ở Việt-nam có hai trường phái: Một trường chính phái, học rất mau, theo sát Hy-Di tiên sinh.
Một trường phái nữa ảnh hưởng Nam phái, vì thất truyền thành ra không có hệ thống nào cả.

     Những người nghiên cứu Tử-vi cần phân biệt rõ hai hệ thống, để lúc học mới khỏi bị bỡ ngỡ. Tuy nhiên không phải những sách vở nào của Nam phái cũng hỗn tạp, không phải những vị nào của Nam phái đều đoán liều cả. Tử-vi cũng như  y học cần đi đến đối tượng là kết quả, ai đoán trúng, người đó đạt được học thuật. Cũng như y học, nói, viết không phải là cứu cánh, mà ai trị khỏi bệnh, người đó có lý.
     Một vấn đề trước mắt của chúng ta là, làm sao có đủ sách cho các vị nghiên cứu tìm hiểu.

     Sách vở của cổ nhân chỉ là nền móng lúc đầu. Tại sao xưa kia Hy-Di tiên sinh đã tìm ra được nhiều nguyên lý Tử-vi,  vậy sao ngày nay chúng ta không thể đi sâu hơn tìm ra những nguyên lý khác. Cái xe hơi thế kỷ thứ 18 thô sơ, người sau cải tiến dần, nay trở thành những xe tối tân. Tử-vi là khoa học, chúng ta có thể tìm thêm, nghiên cứu rộng, để đưa ra những phát hiện mới. Bấy giờ mới đi tìm vận số con người, lại có thể đi xa hơn, phát triển phá cách, trợ cách, một lối phát huy độc đáo đời Trần, cần được đào sâu để đạt được tuyệt đích khoa học Tử vi vậy.


Viết tại Bruxelles, mùa Đông, Tân-Dậu (1981)
Trần Đại Sỹ









LỊCH SỬ TỬ VI (3)





V. Tử-vi vào Việt-nam



Có hai thuyết nói về khoa Tử-vi truyền vào Việt-nam.

1.- Thuyết thứ nhất
Nói rằng một nhân viên sứ đoàn Đại-việt thời Lý tên Trần Tự Mai đã trộm được trọn vẹn bộ Tử-vi chính nghĩa và bộ Ngự-giám tử-vi, rồi đem về nước. Nhưng chính Tự-Mai cũng chỉ nghiên cứu rồi truyền cho con cháu.

Ghi chú: Từ Trần Tự-Mai đến vua Trần Thái-tông gồm 8 đời. Trần Tự Mai sinh Trần Vỵ Hoàng. Trần Vỵ Hoàng sinh Trần Tự Quang. Trần Tự Quang sinh Trần Tự Kinh. Trần Tự Kinh sinh Trần Tự Hấp. Trần Tự Hấp sinh Trần Lý. Trần Lý sinh Trần Thừa. Trần Thừa sinh Trần Liễu, Trần Cảnh tức vua Thái-Tông nhà Trần.

Nên sau này Hoàng Bính đem Tử-vi cho vua Trần, thì có cuộc tranh luận về Tử-vi giữa Hoàng Bính với Chiêu Minh vương Trần Quang-Khải và Chiêu-Quốc vương Trần Ích- Tắc.

2.- Thuyết thứ nhì
Một thuyết khác nói khoa Tử-vi truyền vào Đại-việt từ niên hiệu Nguyên-phong thứ bảy đời vua Trần Thái-Tông (1257). Người truyền sang Đại-việt là tiến sĩ Hoàng Bính. Hoàng Bính sinh vào niên hiệu Gia-thái thứ nhì đời Tống Ninh-Tông (1203), đậu Tiến-sĩ làm Thị độc học sĩ (chức quan đọc sách và giang sách cho vua nghe) thời Tống Lý-Tông. Năm Bảo-hựu nguyên niên (1253), tiên sinh nhân ở chức vụ Thị độc học sĩ, nên nghiên cứu, hiểu tường tận các bộ sách Tử-vi chính nghĩa, Triệu Thị Minh Thuyết Tử-vi kinh, tiên sinh nghiên cứu số Tử vi của vua, Hoàng-hậu, các vương thần, khanh sĩ, văn võ đại thần, thì thấy số người cũng sắp táng gia bại sản, hoặc chết thê thảm, hoặc gia đình ly tán. Lúc đầu tiên sinh cho rằng có cuộc thay đổi ngôi vua trong triều, nhưng sau xem đến số của các vị trấn thủ đại thần, cũng đều tương tự cả. Tiên sinh cho rằng đó là vận nước sắp mất. Tiên sinh lại xem số mình và vợ con đều thấy thân cư Thiên-di, mệnh lập tại Tý, cung Thiên-di ở Ngọ. Tiên sinh mới giải đoán rằng: Tý là phương Bắc, Ngọ là phương Nam, vậy gia đình mình có số lập nghiệp ở phương Nam. Lại xem thiên văn, thấy tất cả các tinh hoa đều tụ cả ở phương Nam, mới bàn với phu nhân rằng:

- Ta xem thiên văn thấy phương Nam sáng rực, tương lai thánh nhân đều xuất hiện ở đó. Nay quân Thát-đát (Mông-cổ) chiếm gần hết giang sơn rồi, mà triều đình trên thì vua hôn ám, các quan thì nhũng lạm, lòng dân đã mất, cái vạ vong quốc không xa cho lắm. Âu là ta cáo quan về hưu, rồi đem tộc thuộc xuống phương Nam lánh nạn.

Năm 1257, Hoàng Bính đem tộc thuộc hơn ba nghìn người, đến biên giới Hoa-Việt, xin được vào đất Đại-Việt làm cư dân. Vua Thái-tông nhà Trần sai người lên tra xét, thấy họ quả thật tình, không có chi giả dối, mới thuận cho Hoàng Bính lập nghiệp ở vùng Yên bang. Hoàng Bính dâng người con gái út 16 tuổi, nhan sắc diễm lệ, làu thông thi thư và thuật số, Tử-vi tên Hoàng Chu-Linh. Vua Trần Thái-Tông thu nhận, phong làm Huệ-Túc phu nhân rất sủng ái.


VI.- Khoa Tử-vi đời Trần

1.- Trường hợp được trọng dụng
Khoa Tử-vi được triều Trần biết đến trong một dịp đặt biệt: Thái-tử Hoảng bị bệnh mê man suốt ba ngày rồi mắt trợn ngược, tưởng qua đời. Vua đem thanh Thượng-phương bảo kiếm và áo Ngự-bào để bên cạnh rồi tuyên chỉ ;
- Nếu tỉnh dậy sẽ ban cho. Ý nói sẽ truyền ngôi. Nhưng Thái-tử mắt vẫn trợn ngược.

Hoàng hậu, phi tần khóc lóc thảm thiết, chuẩn bị chôn cất, nhân thấy Huệ-Túc phu nhân văn hay chữ tốt, có ý nhờ viết bài vị. Vì vậy phu nhân biết ngày, giờ, tháng, năm sinh của Thái-tử. Phu nhân bấm số, rồi tâu:
- Xin Hoàng-hậu đừng lo, Thái-tử chỉ mê man thôi, giờ Sửu ngày mai sẽ tỉnh dậy. Vua và Hoàng-hậu tin tưởng và hỏi tại sao phu nhân biết? Phu nhân tâu:
- Thần tính số Tử-vi của Thái-tử thấy Đồng, Âm thủ mệnh tại Tý. Cung phúc tại Dần có Cự, Nhật. Tử-vi kinh nói rằng:

“ Phú, thọ, quý, vinh, yểu, bần, ai, khổ,
Do ư phúc trạch cát hung”.

Nghĩa là : Giàu, sống lâu, làm lớn, tiếng tăm, chết non, đau thương, khổ, do cung phúc tốt hay xấu. Đây cung Phúc của Thái-tử có Cự, Nhật tại Dần, lại có Tả, Hữu, Xương, Khúc hợp chiếu, thì căn cơ là người thọ lắm. Mệnh lại được Đồng, Âm tại Tý... thế thì Thái tử không chết non, sau còn trở thành vị minh quân anh hùng, tạo sự nghiệp rạng rỡ cho họ Đông-a và cho nhà Đại-Việt nữa. Hiện Thái-tử bị hạn Tang, Hổ, Kiếp, Hình thì đau yếu nặng đó thôi. 

Vua và Hoàng-hậu còn phân vân chờ đến giờ Sửu hôm sau, thì Thái-tử tỉnh dần, rồi khỏi hẳn. Sau là vua Trần Thánh-tông, một vị vua anh hùng trong lịch sử Đại-Việt. Nhân đó vua Thái-tông mới hỏi lý do tại sao phu nhân biết, phu nhân mới trình bày khoa Tử-vi. Vua Thái-tông triệu Hoàng Bính vào cung, tiên sinh dâng lên hai bộ sách Tử vi chính nghĩa và Triệu Thị Minh Thuyết Tử-vi kinh. Vua Thái tông và hoàng tộc nhà Trần lại đua nhau nghiên cứu Tử-vi, và dùng như một nguyên tắc để cử người giúp nước.

2.- Một sự kiện sáng tỏ nhờ Tử-vi
Qua những lá số được Huệ-Túc phu nhân và vương hầu đời Trần chấm còn để lại, ngày nay chúng ta thấy được nhiều khía cạnh lịch sử. Như hiện trong văn học sử, người ta không biết vị thiền sư đắc đạo Tuệ-Trung thượng sĩ đời Trần, bản sư của Trần Nhân-tông là Trần Quốc Tung, anh ruột Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, tước phong Hưng-Ninh vương hay là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng, con thứ nhì của Hưng Đạo vương?

Căn cứ vào lá số của Huệ-Túc phu nhân, người sống đồng thời với Hưng Ninh vương, lại là thím của ngài, là sư phụ của ngài về khoa Tử-vi, thì những gì do phu nhân viết về ngài phải đúng. Hơn nữa phu nhân lại là người tích cực tiến cử Hưng Đạo Vương giữ chức vụ Tiết-chế binh mã, tức là Tổng tư lệnh quân đội, thì chắc chắn tình nghĩa thím cháu, vua tôi, thầy trò, phu nhân viết về gia đình Hưng Ninh Vương, Hưng Đạo vương không sai. Phu nhân chấm số cho Hưng-Ninh vương có phê như sau:

"... Kinh vân Tử, Tham, Mão Dậu đa vi thoát tục chi tăng. Ngô kim nhật kiến Tuệ Trung chi số: Tử, Tham ư Dậu ngộ Quyền, Đào, tuấn nhã chi lang. Tả, Hữu hợp chiếu thị tất đa tài, đa năng. Đãn hiềm Tử, Tham cư Dậu ngộ Không, Kî tất thoát tục vi tăng”. Nghĩa là sách Tử-vi kinh nói rằng: người mệnh lập tại Dậu hay Mão, mà có Tử-vi, Tham lang thủ mệnh đa số là người thoát tục đi tu. Nay ta xem số của Tuệ Trung thì thấy mệnh lập tại Dậu, Tử-vi, Tham-lang thủ mệnh, còn gặp Đào-hoa, Hóa-quyền thì là người đẹp đẽ. Được Tả, Hữu hợp chiếu thì là người đa tài, đa năng. Nhưng tiếc rằng cái số và mệnh lập tại Dậu, Tử-vi, Tham-lang thủ mệnh,gặp Thiên-không, Hóa-kỵ thì thế nào cũng đi tu."

Từ sự kiện trên ta tìm được Tuệ Trung thượng sĩ là Hưng-Ninh vương Trần Quốc Tung, chứ không phải là Trần Quốc Tảng.

3.- Phá cách, trợ cách
Qua các tài liệu còn lại, thì khoa Tử-vi đời Trần có một sắc thái rất đặc biệt hơn ở Trung-quốc, đó là Phá cáchTrợ cách. Câu chuyện Đoàn Nhữ Hài là một bằng cớ. Nếu Tống Thái-tổ biết Trịnh Ân bị nạn mà cứu không được, thì vua Trần Nhân-Tông biết Đoàn Nhữ Hài bị nạn mà cứu thoát. Câu chuyện như sau:

Đoàn Nhữ Hài là học trò trường Quốc-tử giám ở Thăng-long. Năm 20 tuổi, Hài chuẩn bị để thi Thái-học sinh (tiến sĩ), muốn được thi Thái học sinh thì Hài phải qua một kỳ khảo hạch của trường trước, nếu thấy khá thì mới được cử đi thi. Một hôm ra chùa Diên hựu (chùa Một-cột) chơi, thấy vị tăng ngồi nhìn trời, Hài hỏi:
- Bạch hòa thượng, tiểu sinh nghe rằng người tu hành có thể biết được vận số sau này sẽ ra sao, có đúng không?
Hòa thượng hỏi:
- Tiên sinh muốn biết điều gì?
- Tiểu sinh muốn biết mai sau hoạn lộ ra sao. Tiểu sinh mong sư phụ chỉ giáo cho tương lai.

Hòa thượng hỏi ngày, giờ, tháng, năm sinh của Hài rồi nói:
- Số của tiên sinh là số tá cửu trùng ư kim điện, nghĩa là số phò tá vua ở sân rồng, tức là số làm tới tể tướng. Mệnh lập tại Mùi, Tả, Hữu thủ mệnh là người đa tài, đa năng. Tử-vi kinh nói, Tả-phụ, Hữu-bật bình tính khắc khoan, khắc hậu nên tính tình từ tốn, hành sự cẩn trọng. Cái cách Nhật tại Mão, Nguyệt tại Hợi chiếu là cách Nhật, nguyệt tịnh minh, nên thì sớm gặp minh quân. Nhưng tiên sinh lại có một cách rất xấu Đào-hoa, Hồng loan cư nô, lại gặp Hình, thì tất thế nào cũng vì đàn bà mà tan nát sự nghiệp, đến phải vong mạng. Đáng tiếc, đáng tiếc.

Hài mừng lắm trở về lo học hành, tháng sau trong kỳ thi khảo hạch của trường Quốc-tử giám, Hài bị trượt vì văn ngông nghênh, kênh kiệu quá. Hài giận lắm, tìm vị hòa thượng hỏi:
- Hôm trước đại sư đoán rằng sau này tôi sẽ làm Tể-tướng, thế sao tôi thi trượt? Không đậu thì làm sao thi Thái-học sinh được? Không đậu Thái-học sinh thì sao có thể làm Tể-tướng?
Vị Hòa-thượng cười đáp:
- Từ xưa đến giờ có biết bao nhiêu vị Tể-tướng mà không đậu đại khoa? Bần tăng đoán tiên sinh làm Tể-tướng, chứ có đoán tiên sinh thi đậu đâu? Này năm nay tiểu hạn tiên sinh nhập cung Dậu được Thái-dương miếu địa, Hóa-khoa từ Mão chiếu sang thì thanh vân đắc lộ gặp được thiên-nhan. Nhưng đại hạn đóng ở cung Tỵ. Thiên-mã gặp Đà-la tức là ngựa què. Ngựa đã què lại còn đi đến cung Dậu gặp Tuần thì ngựa bị chặt cụt chân. Vậy khi nào tiên sinh gặp ngưạ cắn hoặc đá là lúc gặp vua, nhưng tiên sinh nhớ một điều:

Khi được gặp vua, nếu hoàng-thượng ban thưởng cho bao nhiêu vàng bạc phải nộp cho lão tăng một nữa. Hài mừng lắm, về nhà, đúng ngày mà hòa thượng đoán gặp vua, không thấy linh nghiệm. Hài tìm đến chùa Diên-hựu để hỏi tội hòa-thượng. Nhưng trên đường đi, Hài bị một người cỡi ngựa **ng phải, té lăn vào bụi cỏ. Hài túm lấy dây cương hạch tội:
- Nhà ngươi đi đâu mà có mắt như mù **ng phải ta?
Người cỡi ngựa, mình chỉ mặc áo lót, mũ đội phía sau ra trước, nhảy xuống ngựa tạ lỗi:
- Xin lỗi tiên sinh, tôi đi tìm cha tôi để tạ lỗi. Tiên sinh có biết chữ không? Tôi muốn nhờ tiên sinh một việc đây!
Hài bực mình nói:
- Ta học trường Quốc-tử giám, sắp thi Thái-học sinh, thì Bách-gia, Chư-tử, Cửu-lưu, Tam-giáo đều thông. Sao lại không biết chữ?
Người cỡi ngựa tiếp:
- Vậy tiên sinh làm dùm tôi bài biểu tạ tội với cha tôi, tôi sẽ bảo quan Quốc-tử giám tư nghiệp cho tiên sinh đậu. Năm sau thi Thái-học sinh tôi sẽ lấy tiên sinh đậu Trạng nguyên, được chăng?
- Nhà ngươi điên à? Nhà ngươi có biết, chỉ có một người cho Thái-học sinh đậu Trạng-nguyên, đó là vua. Nhà ngươi là ai mà dám nói lớn lối như vậy?
Người kia đáp:
- Tôi là Vua đây.
Đoàn Nhử Hài nhìn lại mũ người đó, quả là vua, vội thụp xuống đất tạ tội. Người cỡi ngựa chính là vua Trần Anh-tông. Nguyên sau khi chiến thắng Mông-cổ, năm 1293 vua Trần Nhân-tông nhường ngôi cho con là vua Trần Anh-Tông rồi đi tu. Vua Anh-Tông thường hay rượu chè say sưa. Nhân một hôm uống rượu Xương-bồ say quá nằm ngủ, thì Thượng-hoàng từ Thiên-trường về Thăng-long. Các quan trong triều không ai biết cả. Nhân-Tông thong thả xem cung điện từ giờ Thìn đến giờ Tỵ. Thái-giám dâng cơm. Thượng-hoàng không thấy vua đâu hỏi thái-giám. Thái-giám đánh thức vua dậy, nhưng vua say quá không tỉnh được. Thượng-hoàng giận quá bỏ về, lệnh cho các quan về Thiên trường họp, có ý truất phế Anh-tông. Đến giờ Mùi, Anh-tông mới tỉnh dậy, cung nhân đem việc ấy tâu. Vua sợ quá không kịp mặc áo, nhảy lên ngựa chạy tới chùa Từ-phúc, thì **ng phải Đoàn Nhữ Hài. Hai người xuống thuyền về Thiên-trường. Dọc đường Đoàn Nhữ Hài làm tờ biểu dài hai ngàn chữ tạ tội. Nhưng Thượng-hoàng vẫn còn giận, không cho vào. Hai người phải quỳ ở ngoài. Các quan liếc mắt nhìn tờ biểu, thấy văn hay, truyền nhau đọc.
Thượng-hoàng nghe được hỏi:
- Văn ở đâu mà hay như vậy?
Các quan tâu rằng đó là bài biểu tạ tội của vua. Thượng-hoàng truyền:
- Đưa vào đây!
Ý ngài muốn nói rằng đưa bài biểu vào, nhưng các quan hiểu lầm đưa cả Vua và Đoàn Nhử Hài vào. Thượng-hoàng thấy sự đã rồi, đành tiếp biểu xem, thấy lời văn điêu luyện, thống thiết, bèn xá tội cho vua Anh-Tông. Ngài phán rằng:
- Ta đang cần một thiếu niên anh tài phụ tá cho con ta. Nay gặp tiên sinh ở đây
thực là may mắn. Hài trình việc gặp hòa thượng ở chùa Diên-hựu, được hòa thượng đoán trước sự việc. Thượng-hoàng phán:
- Khoa Tử-vi do Hoàng Bính truyền sang Đại-Việt, khoa này đâu có truyền ra ngoài dân dã? Hòa thượng xem Tử-vi cho tiên sinh đó là sư phụ của ta, tức Tuệ-Trung Thượng-sĩ đó (tức Trần Quốc Tung).
Hài nghe xong hoảng sợ, nghĩ hôm trước nếu mình gây với hòa thượng thì bị ốm đòn rồi. Bởi Tuệ-Trung là một võ học danh gia đời Trần. Thượng-hoàng hỏi số của Hài, rồi phán:
- Số của tiên sinh là số của bậc tể thần. Sau này làm nên sự nghiệp hiển hách. Nhưng tiếc rằng Đào, Hồng cư Nô, thì thế nào cũng xảy ra một chuyện bất chính trong tình trường, lại thêm Tham, Hình nữa thì thế nào cũng vì má đào mà sự nghiệp tan vỡ, chết vì nghiệp tình, đáng tiếc thay.
Vua Anh-tông tâu rằng:
- Thần nhi nghe nói căn cứ vào khoa Tử-vi có thể cải được số mạng. Thỉnh cầu phụ hoàng có cách nào cứu được Đoàn tiên sinh không?
Thượng-hoàng bèn xé từ bìa kinh Kim-cương viết mấy chữ Tứ đại giai không, miễn tử trao cho Đoàn Nhữ Hài. Tứ đại Giai không là chữ lấy trong kinh Kim-cương:

“Vô nhân tướng, Vô ngã tướng, Vô chúng sinh tướng, Vô thọ giả tướng, tứ đại giai
không”.
Nghĩa là không có hình tượng của người, của ta, của chúng sinh, không có cái gì lâu dài cả. Bốn cái đó đều là hư ảo..

Thượng-hoàng phán:
- Ta xem số thấy cái vạ vì má đào của tiên sinh sắp tới. Nay ta trao cho tiên sinh mảnh giấy này, khi bị nạn, có thể dùng nó để cứu mạng. Muốn giải cái nạn Hồng, Đào, Hình, Tham thì phải dùng đến Quyền. Nay ta viết chữ miễn tử tức là dùng Quyền rồi, phụ với Hóa-quyền đóng chung ở Tham-lang nữa. Muốn giải hạn Thiên-hình thì dùng đến Không-vong. Ta dùng bìa cuốn kinh Kim-cương, tức là dùng cái Không của đạo Phật. Như vậy mong có thể cứu được tiên sinh.
Trở về Thăng-long, vua Anh-Tông phong cho Đoàn Nhữ Hài làm Ngự-sử trung tán, đây là lần đầu tiên một người không đậu đạt gì, mới 20 tuổi được phong làm Ngự-sử trung tán. Người thời đó ghanh ghét làm thơ giễu Hài như sau:
Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ, Khẩu tồn nhũ xú Đoàn trung tán. Có nghĩa là: Ôn câu cổ ngữ tại đài Ngự sử. Miệng của Trung-tán Đoàn Nhữ Hài còn hôi sữa.
Ba năm sau hạn của Đoàn Nhữ Hài qua cung Tý gặp Đào, Tham, Quyền, Hồng và Thiên-thương, triều đình khám phá ra mối tình của Đoàn Nhữ Hài với một cung nữ của vua Anh-Tông. Luật triều Trần rất khắt khe với tội ngoại tình. Ngay với thường dân khi ngoại tình xảy ra, gian phu bị tử hình, dâm phụ tùy người chồng tha hay không. Nay tội đó xảy ra giữa một đại thần với một cung nữ. Nên cả hai bị khép tội chém đầu. May nhờ có thủ bút của Thượng hoàng, viết trên bìa cuốn kinh Kim-cương nên cả hai được miễn tử. Vua Anh- Tông truyền gả cung nữ cho Đoàn Nhữ Hài.

Đoạn trên đây chúng tôi tóm lược trong sách Đông-a di sự, phần Đoàn Nhữ Hài liệt truyện.

4.- Tinh hoa khoa Tử-vi đời Trần
     Hầu hết những bậc vua chúa, vương hầu nhà Trần đều nghiên cứu Tử-vi, để làm chìa khóa biết kẻ trung, người nịnh, biết vận hạn, mưu đồ đại sự.
Như khi triều đình phân vân không biết nên hòa với Mông-cổ, cho Mông-cổ mượn đường đánh Chiêm-thành, hay nhất định chống lại, vua Thái-tông do dự không quyết, Huệ- Túc phu nhân chấm số cho tất cả vua, hoàng-hậu, vương hầu, tướng sĩ, thấy đa số là những vĩ nhân, làm nên những chuyện kinh thiên động địa. Có một số bị chết thảm nhưng tiếng tăm vang dậy. Phu nhân quyết định rằng: nên đánh. Bởi đánh thì sẽ thắng, có thắng các vương hầu mới có sự nghiệp vĩ đại như vậy. Một vài người tuy tuẫn quốc thật nhưng danh thơm muôn thuở.

     Có ai ngờ việc quyết định vận số quốc gia như thế, mà do khoa Tử-vi chiếm một phần. Khoa Tử-vi đời Trần cũng dựa theo bộ Tử-vi chính nghĩa, rồi nghiên cứu rộng ra về phá cách và trợ cách. Tỷ dụ, Tử-vi kinh nói rằng :
Thiên-hình, Thất-sát cương táo nhi cô. Nghĩa là, người có thiên-hình, Thất-sát thủ mệnh thì tính tình nóng nảy, cứng rắn quá mà hóa cô độc. Muốn khuyên răn, chế ngự bớt sự cuồng táo đó, phải dùng người mệnh có Thái-dương, Thiên-đồng, Thiên-lương, Văn-xương, Văn-khúc, Đào-hoa, Hồng-loan. Bởi các sao này có thể giảm bớt sức nóng nảy của Hình, Sát. Tuyệt đối không dùng người mệnh có Kiếp, Không, Kình, Đà, Tang, Hổ đã đành mà còn tránh dùng người có Tử-vi, Thiên-phủ, bởi Tử, Phủ kỵ Hình, Sát. Như muốn phá người mệnh có Tử, Phủ thì dùng người có Kiếp, Không, Kỵ, Hình thủ mệnh. Tử, Phủ thì ngay thẳng, Kiếp, Không thì gian trá, tiểu nhân vậy dùng những mánh lới hạ cấp sẽ làm cho người Tử, Phủ khốn khổv.v.... Khoa Tử-vi còn đi sâu hơn nữa. Như người có cung Phúc tại Thìn được Thái-dương tọa thủ, tức là được hưởng phúc ngôi mộ ông hoặc bố. Muốn ếm người đó, thì dùng cách ếm mộ ông nội hay cha y, thì y khốn khổ ngay.

     Lối này trước đây người ta đã dùng để ếm mộ ông nội nhà văn Phạm Quỳnh, sau này ếm mộ nhà Ngô. Khi cố Tổng-thống Ngô Đình Diệm còn tại vị, nhiều người thù ghét, sau biết ngôi mộ tổ được cách Long phụng triều thì con trai, con gái, con dâu sự nghiệp đều vĩ đại cả. Người ta đã ếm ngôi mội này. Thành ra khi con long bị đau, nó dẫy lên, lại một người nam bị nạn, khi con phụng dẫy lên thì có một người nữ bị nạn. Cái lối ếm này rất thất đức, nên chúng tôi không trình bày chi tiết vào đây. Tỷ dụ: Nhà Trần đã dùng lối ếm đó để diệt dòng dõi họ Chế ở Chiêm-thành. Trần Khắc Chung vì thương yêu Huyền Trân công chúa, mà công chúa bị triều đình nhà Trần gả cho Chế Mân, Khắc Chung tìm biết số Tử-vi của Chế Mân, rồi tìm ngôi mộ cung Phúc đức ếm, nên chỉ một năm sau Chế Mân chết.


VII. Khoa Tử-vi các đời sau

     Khi nhà Trần bị nhà Hồ cướp ngôi (1400), con cháu họ Trần tản mác đi khắp nơi, có người dùng khoa Tử-vi làm kế sinh nhai, khoa này đã do nẻo đó truyền ra khắp dân chúng.
     Tương truyền Trần Nguyên Hãn, một danh tướng đã giúp vua Lê Thái-tổ đánh đuổi quân Minh. Nhưng ông là cháu nội của Trần Nguyên Đán, một vị Tể-tướng cuối đời Trần, nên khi đuổi giặc Minh rồi, vua Lê Thái-tổ muốn giết ông. Ông biết ý nói với bạn bè rằng:
     Ông xem số Lê Thái-tổ là chỉ có thể ở với nhau khi hoạn nạn, lúc đại nghiệp thành thì nhà vua sẽ giết công thần. Vì vậy ông cáo quan về ở ẩn trong dân. Tuy vậy nhà vua vẫn sai 42 vệ sĩ xá nhân về quê bắt ông. Khi đi đường về kinh, ông dùng võ giết các xá nhân rồi trốn đi (sử chép thuyền chìm xá nhân và ông đều chết hết). Ông trốn vào Thanh-hóa ếm ngôi mộ kết long mạch của nhà Lê, nên sau khi vua Lê Thái-tổ băng, tiếp theo vua Lê Thái-tông bị thượng mã phong mà băng lúc 20 tuổi. Con vua Lê Thái-tông mới hai tuổi lên ngôi vua cũng bị anh là Lê Nghi Dân giết chết. Một giai thoại nữa diễn ra dưới triều Lê.

“Khi Lê Thái-Tổ thành đại nghiệp, về quê tế tổ, một ông lão người cùng quê hỏi rằng:
- Tôi với bệ hạ sinh cùng ngày, cùng giờ, cùng tháng, cùng năm, cùng quê, thế sao bệ hạ làm vua, mà tôi thì vẫn làm dân?
Trần Nguyên Hãn đáp:
- Đó là cung Phúc cả. Cung Phúc của Chúa tôi với ông đều có Thiên-đồng tọa thủ tại Hợi. Nhưng ngôi mả tổ ông lại không để trúng long mạch, ngược lại ngôi mộ của Chúa tôi để trúng long mạch nên được hưởng mệnh trời. Bởi số giống nhau, nên tướng mạo ông với Chúa tôi tương tự. Tôi nghĩ số ông có phần nào giống Chúa tôi chứ? Ông làm nghề gì nào?
Đáp rằng:
- Tôi làm nghề nuôi ong, hiện nuôi chín tổ ong.
Trần Nguyên Hãn đáp:
- Đó tôi nói có sai đâu. Bệ hạ làm Chúa chín châu, thì ông làm Chúa chín tổ ong, tổ nào cũng có vua, có quan, có tướng mà.”

     Sau này ông Lê Quý Đôn đi sứ Trung-quốc mua được bộ Tử-vi âm-dương chính nghĩa, Nam-tông đem về nghiên cứu. Ông có diễn giải ra bằng thơ lục bát khá đầy đủ. Khoa Tử-vi theo Nam-tông truyền vào Việt-nam từ đó.

(còn tiếp)