Thứ Sáu, 6 tháng 12, 2013

HÓA KỊ



MÂY LANG THANG
(VIẾT VỀ SAO HÓA KỊ)


Mây, sao còn bay mãi không quay về đây?
Sao còn lờ lững che ngang rừng cây?
Sao còn hờ hững với tôi từng giây?
Hay còn mơ nghĩ đến ai nào đây?

Mây, xin dừng chân đến bên tôi một đêm
Xin đừng bay chốn môi hôn thật êm
Xin đừng nghe gió dâng lên thật cao
Xin đừng ân ái với muôn vì sao…

Đời tôi đã xót xa nhiều cũng vì yêu
Niềm thương nhớ biết đến bao giờ làm mây quên lãng
Chào mây nhé, mây bay về, về phía trời cao
Ôi niềm ao ước, mối tình tha thướt như làn mây lướt.

Mây, mây buồn mây khóc mỗi khi vào mưa
Hay là mây nhớ mối duyên tình xưa
Khi tình chưa biết đớn đau là chi
Khi dòng nước mắt chưa hoen vào mi

Mây, mây còn phiêu lãng đến bao giờ đây ?
Mây còn ngơ ngác lang thang về đâu ?
Xin dừng chân nói với nhau một câu
xin đừng câm nín vơi nhau dài lâu

Đây là một bài hát ngoại quốc, tiếng Pháp là “Toi” (đọc là toa), có nghĩa là anh ơi, em ơi...Lời Việt hình như của Nam Lộc. Nhưng thật ra đây là bài country Đồng quê Mỹ có tên là A cowboy’s work is never done của Sonny &Cher.

Thôi thì, theo lời Việt Mây lang thang cho đúng nội dung bài viết.

“Toi” hay Mây ẩn tàng một tên gọi, có thể là Vân, tác giả dùng hình tượng mây để biểu thị một cái tên, về một người với tính chất chuyển động trôi nổi thật tài tình. Em như mây phiêu lãng, bay hoài không mỏi sao cưng; tưởng đôi lần thành mưa sẽ không còn bay nữa, nhưng nước mắt chưa hoen vào mi, em chưa biết khổ đau là gì nên em còn bay vô tư. Ta thì ngước mỏi cổ nhìn em bay đi bay đến mà choáng váng, cũng muốn được bay theo em. Bài hát miêu tả tâm trạng tình cảm phức tạp nhưng nhẹ nhàng đầy tính nghi ngờ pha chút hờn dỗi, và rất lãng mạn.

Vậy em là ai rứa “Toa”?
-Anh ơi, em là Hóa Kị đây. Hay ho gì mà đụng vào em chứ. Đụng vào em dễ sinh sự lắm. Muốn níu em lại anh phải có Khoa, Quyền, hoặc Thanh Long, Lưu Hà. Lúc đó anh sẽ thành rồng bay trong mây ngũ sắc huyền ảo, là cơ hội cho anh làm điều kì lạ tuyệt vời, hai ta thành Long Vân hân hoan mở hội “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

-Anh chẳng có gì ngoài con Thiên Không cả, được không em?

-Ái chà, được quá đi chứ với điều kiện không thấy mặt thằng Địa Kiếp, có thằng này nguy hiểm lắm. Nếu thế, anh là bầu trời mênh mông còn em là mây, tha hồ phiêu lãng trong trời anh, cũng là không ghét em đâu, không cấm em, không nghi kị em  mắc chi em lại ghét anh.

-Anh sợ là…

-Sợ là em đây, Hóa Kị đây. Ai thấy em cũng sợ cả.

-Đừng nói thế.

-Đừng cũng là ả này đây anh ơi. Vì thấy em nên anh mới nói:
Sao còn bay mãi không quay về đây? Mây còn phiêu lãng đến bao giờ đây? Cơ Phục Hà? Sao em Đào Lưu hồ hải mãi. Tới hạn Phục Binh nhớ quay về nhé.

Sao còn lờ lững che ngang rừng cây? Lờ lững là Đà Hư, chìm không chìm nổi không nổi, y như giả đò chìm vậy. Che ngang là Đà Kị.

Sao còn hờ hững với tôi từng giây? Hờ hững, biểu tỏ tình cảm lạnh lùng đó là Linh Tinh, Linh Kị tôi ghét sự lạnh lùng ấy lắm.

Hay còn mơ nghĩ đến ai nào đây? Câu này đúng là nghi ngờ. Tồn Tướng Ấn, còn nhớ về ai đó. Nếu nghĩ tới mà thấy ghét, thấy cay đắng thì thêm Kị.

Xin đừng bay chốn môi hôn thật êm Cự Phi Kị, bay tới đó ghét lắm, vì ghen mà nói thế, êm ái nổi gì với cái môi Cự Kị chứ.

Xin đừng nghe gió dâng lên thật cao Linh Xương Đà Kị đừng nghe theo lịnh đó vì Linh Kị còn là lịnh cấm, như cấm hôn nơi công cộng, cấm đậu xe, cấm đổ rác. Xương Kị cũng là đừng nghe, nếu nghe chỉ toàn lời đố kị, kì quái, ganh ghét. Xương Khúc Kị cũng là cách giấy tờ rắc rối, nhiêu khê đóng con dấu thôi mà cũng hạch sách, photo công chứng cái CMND thôi mà cũng chờ cả buổi; nghe kiểu này ức chế dễ làm điều bậy bạ mà..chết, nên sách xưa gọi Xương Kị là yểu mệnh
 Miêu nhi bất tú Nhan Hồi,
 Văn Xương ngộ Kị uổng đời tài hoa.
Miêu nhi bất tú, lúa chưa ra hoa đã héo lá úa tàn rồi. Thật ra không dễ yểu thế đâu, nhưng gặp rắc rối mà buồn thúi ruột thì có.

Gió là gì ta? Cái không thấy nhưng biết có, đúng không? Thiên Hư được chứ? Vậy Xương Kị Hư là đừng nghe lời hư ảo mà sinh hư sự.

Xin đừng ân ái với muôn vì sao, anh tưởng tượng dữ quá thành ra câu này thật khó nói, nhẹ nhàng thì Tướng Quân hay Thiên Tướng ngộ Kị, cấm yêu, đừng yêu, thêm Đào cho nó thấm đẫm ái ân; đừng trao gởi chi cả, ta ghét cái mặt đó lắm rồi.

Đời tôi đã xót xa nhiều cũng vì yêu, Tướng Khốc, nước mắt vì yêu, có thêm Kị là tình oan nghiệt đắng cay. Vì yêu mà thành oán ghét, muốn khóc mà khóc không được càng oán ức thêm. Tình đớn đau mà có uất hận thù oán là thêm Địa Kiếp. Qua đây, hãy nhớ cho gặp Tang Kị   là ngày giỗ đó anh; có thể là chiếc khăn sô cho một cuộc tình Tướng Tang Kị, một ai đó  mất, hoặc là ngày giỗ chạp của mình.

-Ghét em ghê.

-Thấy em tức là thấy ghét rồi. Em đi đâu người ta cũng sinh lòng ghen ghét, khiến em phải ghét lại. Thấy mặt em là người ta nhăn nhó như bị bao rồi. Người ta gọi em là đồ ám khí, ám tinh, thứ gây trắc trở, cản trở, cắn em một phát miệng ngậm đắng cay, em chỉ có hung họa, nhất là khi em mê si theo ai đó, hoặc ai mù quáng theo em liền bị gọi là Diêu Đà Kị, vì có em mà đời họ chìm lĩm trong bóng tối u mê, làm như em có bùa yêu không bằng.

Em là hình ảnh của nghi ngờ đố kị, của sự sai phạm, sai luật. Hình Kị là hình ảnh bất kì gã chính tinh nào cũng sợ, từ ông vua cho đến phó thường dân. Ôm bộ này nhẹ nhất là khắc khổ cực hình do bị hành hạ, nếu là con cái thường bị hình phạt roi vọt, học sinh thì dính điểm 0 còn bị phê vô lễ, vô giáo dục. Vợ chồng thì thấy trên giường sẵn sàng tờ ly hôn li dị. Quan chức dễ dính  hai chữ “duyệt, vào nhà đá”.

-Em nói khiếp quá!

-Đó, đó!! Khiếp cũng là em nhé! Khiếp hãi, kinh sợ, khiếp sợ, ghê quá, ớn lạnh quá!  Các từ tương đương như thế. Nên ghét ra mặt là Triệt Kị đó. Bộ này hãi lắm, nhất là mấy lão Tử Vi, Thiên Phủ, Thiên Tướng rất sợ. Lộ ra sự ganh ghét. Ghét mà bị bỏ, bị phế, bị cắt chia…vì coi thường điều cấm kị.

-Anh muốn…

-Muốn yêu em dài lâu chơ gì? Không được đâu. Liêm Tướng yêu dài lâu gặp Kị em đây là cái dài lâu ấy cực hình lắm; tù tội dài lâu thì có. Cô gái Liêm Kị khắc nghiệt lắm, yêu ai dễ hành hạ nhau lắm. Chữ trinh đáng giá ngàn vàng còn đâu anh ơi là anh.

-Không lẽ em chẳng yêu ai được sao?

-Có chứ nhưng phải có bằng Hóa Khoa, hoặc Quyền uy tín, và Cát tinh mới được. Như Vũ Kị là kì tài. Cơ Kị là khéo tay tài giỏi. Lương Kị là may mắn kì lạ. Đồng Kị là thần đồng. Tử Vi Kị là huyền bí kì ảo.
   Còn mấy lão Sát Phá Tham hoàn tòan bất lợi. Này nhé, Sát Kị sai lầm đố kị, ghét mà giết, giết lầm hơn bỏ sót. Phá Kị thường hát bài “Đừng bỏ em một mình”. Tham Kị tham lam đố kị, ham hố bị trách là tham lam kì quái. Nhiều ý lắm, tùy tình huống mà diễn thôi.

Các tuổi bị Kị biến hóa chới với:
Giáp:Dương Kị công khai đáng ghét, bị đàn ông ám. Ngày u ám, thấy là ghét, nên giương con mắt không nổi.
Ất:  Âm Kị bị bà ám. Đêm ám mộng nàng Hằng Nga móng nhọn đâm vào tim.
Bính:Liêm Kị theo dõi, moi móc, ả này thích dấu còng số 8 trong túi xách.
Đinh:  mụ Cự Kị lải nhải bài “Biệt ly, nhớ nhung từ đây, nhà này phải chia cho tui 100 cây”.
Mậu: anh chàng Cơ Kị khéo giỏi mà cũng đáng ghét vì cái gì cũng thắc mắc, đánh dấu hỏi. Lợi dụng cơ hội.
Kỷ: Khúc Kị loại cấm thư, thơ văn có tính phê phán. Đoản khúc lạ lùng.
Canh: Đồng Kị đứa bé lạ kì ta mong muốn nhưng chắc gì có. Vì tui ghét con trẻ đi chung lắm.
Tân: Xương Kị tiếng đàn mê hoặc, lẳng lơ gọi mời. Đàn bà con gái chớ nghe đờn Cò (ca dao) nhé. Kẻo lòng mềm yếu, mụ mẫm mà sinh bệnh hoạn.
Nhâm: chàng Vũ Kị kì tài đến kì quái. Như Hitler nhếch bộ râu mép cả thế giới điêu đứng.
Quý:Tham Kị ham vui, ham ăn mà bị ghét. Thưa bác sĩ, chút bì thư nhỏ mọn này để bồi dưỡng cho ngài uống nước giải khát, ừa, thế là ngài nhanh chóng tìm kiếm, thăm dò xem con vi trùng, vi khuẩn nào trên người bệnh nhân đang thoi thóp đã mấy hôm…

- Em ơi, anh thấy em đâu đến đỗi tệ. Vậy Hóa Kị nào đáng sợ nhất hả em?

-Anh cẩn thận ghê! Né nổi không đó? Này nhé: Kị Hình, Triệt Kị, Diêu Đà Kị, Tang Kị, Khốc Kị … như đã nói, các bộ sau đây cũng kinh lắm, nên né:

Đào Kị Kiếp: nghi kị mà tạo ra họa nạn. “Tham cư Đoài Chấn thoát tục vi tăng, Kị Kiếp lai xâm trần hoàn đa trái” tu cũng chẳng xong đành trở về trần tục kêu “ái, ái!!”

Kình Kị Hỏa: “Kình dương Hỏa Kị một bài, hãm mà thủ mệnh ấy loài ác tinh”.

Tuế Đà Kị: ngôn ngữ bất nghi (không tốt), nói lời cản trở có tính dụ dỗ. Thêm Cự Môn là “ Tuế Đà Cự Kị phận nghèo. Một thân lên thác xuống đèo không yên”.

Tồn Kị: cái này mang tính thị phi, ta thường nói “đồ trùm sò!” về người ích kỉ, keo kiệt hoặc là “đồ cứt sắt”. Bo của đáng ghét. Lượm cái gì cũng bỏ vào tủ cất.

Úi dà, mệt quá anh ơi! Anh bảo Xin dừng chân nói với nhau một câu. Xin đừng câm nín với nhau dài lâu. Thế mà em nói cả đoạn, cả bài rồi đó, hơn nữa em đứng lâu không yên. Em đi đâu nói nhiều dễ sinh nghi lắm. Có duyên hẹn lúc khác em trải lòng nhé, sợ anh nghe nhiều quá rối  rắm thêm.

 Suốt năm Quý Tị  này em tạm trú xứ Tham Lang, có bộ Kị Lộc chọc ghẹo, nhậu nhẹt, thách thức với chàng tham hám hạm ham chơi cho vui cũng chán rồi. Sang năm Giáp Ngọ, em hẹn lão Thái Dương chơi vài chiêu múa may giương oai, cho lão mù mắt chơi, em ghét cái ánh mắt dê xồm nóng hực như lửa cứ xoi mói cả ngày bực bội của lão lắm.

Thôi, anh dễ thương ơi! Chào anh nhé, mây bay về phía trời cao. Cự Dương, em Kị Phi… nhé!.

 Bái bai.








0 nhận xét:

Đăng nhận xét