BÙI GIÁNG, NHẤT PHIẾN
TÀI TÌNH THIÊN CỔ LỤY
Bùi Chí Vinh
tượng Bùi Giáng tại Viện Y học Dân tộc
Bên Trung Quốc
gọi nhà thơ Lý Bạch là “trích tiên” có nghĩa là ông tiên bị đày nơi đất
Trích. Thì tôi cũng đặt nickname cho Bùi Giáng là… trích tiên, nhưng là ông
tiên bị trời đày đọa.
Tôi bảo vệ quan điểm ấy
ngay từ hồi làm cố vấn văn hóa văn nghệ cho họa sĩ Ớt tức Huỳnh Bá Thành, thời
anh còn sống và làm Tổng Biên Tập báo Công An TPHCM đầu thập niên
1990. Có lần anh hội ý với tôi về kịch bản phim MÊNH MÔNG TÌNH BUỒN (chuyển
thể từ tiểu thuyết LUẬT NHÂN QUẢ mà tôi và Huỳnh Bá Thành là đồng tác giả).
Anh Thành nói đại khái muốn cho thêm vài phân đoạn về sự có mặt của Bùi Giáng
trong phim và hỏi tôi có ô kê không, thì tôi gật đầu cái rụp. Tôi trả lời: “Ô
kê, vị trích tiên đó sẽ xuất hiện trong tư thế một đạo sĩ hoặc một nhà hiền
triết giả điên để quan sát tấn tuồng đời”. Huỳnh Bá Thành sửng sốt: “Chú
mày phong ông Bùi lên hàng trích tiên sao ?” “Đúng. Ông Bùi ra đời để chịu cảnh…
nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”.
Cuộc thí nghiệm của chúng tôi về Bùi Giáng đã làm cho điện ảnh bớt
tính … quốc doanh và thêm phần phong phú. Lần đầu tiên lão thi sĩ giang hồ thứ
thiệt múa may giữa cõi trần gian ta bà được đưa vào phim đẹp như siêu cao thủ
hành khất Hồng Thất Công của kiếm hiệp Kim Dung. Mà so sánh Bùi Giáng là
“siêu cao thủ” cũng chẳng sai. Chỉ nội chuyện ông đứng múa may bất chấp trời
mưa trời nắng giữa các ngã tư giao lộ để “chỉ đường” xe cộ chạy đúng chiều
thay cho đèn xanh đèn đỏ cũng đủ phải… kính nể. Ngày nào cũng làm “cảnh sát
giao thông” từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ liên tục như thế chứng tỏ nội công ông
quả thật phi phàm.
Mùng 2 Tết Quý Dậu vị
“Mạnh Thường Quân” của tôi và ông là Huỳnh Bá Thành chết bất đắc kỳ tử. Tôi
và ông mỗi người rơi nước mắt một kiểu. Đúng một năm sau vào ngày giỗ đầu vị
cố Tổng Biên Tập, chị Ninh (vợ Huỳnh Bá Thành) nói với tôi: “Anh Ba Ớt hồi
còn sinh tiền hay nói họ Bùi có hai kẻ chọc trời khuấy nước là Bùi Giáng và
Bùi Chí Vinh. Ông Giáng ghé thắp nhang hồi nãy rồi, bây giờ Bùi Chí Vinh đốt
cho anh Ba điếu thuốc trên bàn thờ đi”. Coi, tự nhiên tôi và Bùi tiên
sinh dù chẳng họ hàng gì với nhau (tuy cùng họ Bùi) nhưng định mệnh gần như sắp
đặt sẵn trên cửa miệng của vị Mạnh Thường Quân Ba Ớt. Thật ra định mệnh sắp đặt
từ cách đây 25 năm trước. Cách đây 25 năm tôi và mấy huynh đệ giang hồ ngồi cụng
ly nửa đêm ở góc chợ Gò Vấp. Trong mấy huynh đệ có Lã Văn Cường, Nguyễn Hải,
Hồ Lê Thuần (con trai cố bí thư Thành Đoàn Hồ Hảo Hớn)… Chúng tôi nhậu nhằm
vào lúc Bùi Giáng rời chùa Long Huê gần đó ra chợ quậy tưng bừng khói lửa với
một cây chổi rách tượng trưng cho ấn kiếm. Gọi là ấn kiếm vì Bùi Giáng luôn vỗ
ngực xưng vương bất cứ lúc nào cao hứng. Đêm đó “vua cỏ” Bùi Giáng làm bà con
chạy tán loạn và ông múa chổi tiến về phía chúng tôi. Ông vừa đi vừa khạc thơ
rồi dòm trừng trừng vào mặt tôi. Trong cơn say xỉn ngất trời, Hồ Lê Thuần xúi
tôi đọc thơ đáp lễ. Thế là người ngồi người đứng xuất khẩu thành thi qua lại
liên tục. Không biết Bùi tiên sinh “phê” thơ tôi ra sao, chỉ biết Người tự động
quỳ xuống bàn chúng tôi dâng cây chổi rách lên và tuyên bố “Đêm nay Trẫm thay
mặt cựu hoàng Bảo Đại giao ấn kiếm cho thế hệ trẻ”. Câu nói đầy tính
“chính trị” và đối phó của Bùi Giáng bắt buộc tôi phải nhận cây chổi và làm một
bài thơ tặng ông tại chỗ, có chép lại nhét túi ông đàng hoàng, xin mạn phép
ghi ra đây để người đọc biết sự tỉnh táo và khôn ngoan của Bùi Giáng :
CÁCH LẠY CỦA BÙI GIÁNG
“Liên tồn, l… tiên,
liền tôn”
Bác Bùi chưa gặp đồng
môn đây mà
Ta hăm bảy tuổi đăng
khoa
Bác hơn sáu chục mới
là Trạng Nguyên
“Bác đi, bi đát” cơn
điên
Để mua trí tuệ “l…
tiên, liên tồn”
“Riêng ta” thành “ra
tiên” con
Lúc say xỉn vỗ hậu
môn cười khà
“Bán dùi Bùi Giáng”
xót xa
“Bình Chí Vui” ta vốn
là “Bùi Vinh”
Bác không màng nhắc
triều đình
Có đâu ta nỡ cố tình
làm vua
Chi bằng giữa chợ say
sưa
Bùi to Bùi nhỏ đi lùa
các em
Kìa sao bác lạy như
điên
Đợi ta đỡ dậy chiêu
hiền nữa sao?!?
Cuộc hội ngộ thứ hai xảy ra khoảng đầu
năm 1990 khi tôi chở hiền thê Hương Lan lúc đó mang bầu đứa con đầu lòng ghé
chơi nhà Nguyễn Lương Vỵ, thi sĩ kiêm Trưởng phòng Văn Hóa Thông Tin quận Phú
Nhuận. Tại phòng khách có mặt sẵn hai dị nhân Bùi Giáng và Joseph Huỳnh Văn.
Sau khi làm thủ tục chào hỏi, Bùi tiên sinh hất hàm với tôi: “Phu nhân của
Bùi hậu sinh có chữa hả, đặt tên gì chưa?”. Tôi trả lời rằng chưa thì
Bùi Giáng vỗ bàn cái rầm: “Trẫm đề nghị đặt tên cho hậu duệ Bùi hậu sinh là
Bùi Vương. Bởi họ Bùi chưa có ai làm vua cả”. Phát ngôn của Bùi Giáng làm cả
bàn phì cười, lúc đó tôi giả tảng nhắc lại kỷ niệm cùng với Hồ Lê Thuần và mấy
huynh đệ hội ngộ ông ở chùa Long Huê, Gò Vấp. Kỷ niệm sâu sắc đến mức tôi ghi
lại bằng bài thơ HỌ BÙI đọc ra trước mặt ông, khiến ông hết sức tự hào:
HỌ BÙI
Ta kiếm hoài một gã họ
Bùi
Trong lịch sử từng
làm hoàng đế
Chỉ thấy họ Đinh, Lê,
Trần, Lý
Thay phiên nhau mặc
áo long bào
Gượng cười ba tiếng
mà rơi lệ
Bùi gia trang tuyệt
giống rồi sao?
Không xưng vương thì ắt
cường hào
Ta bỏ sử đi tìm kinh
sách
Nguyễn Đình Chiểu đui
mà thấy hết
Gọi ngay ông Bùi Kiệm
đến chào
Chao ôi thủy tổ nhà
ta lạ
Khinh ngai vàng, mê
gái thật sao?
Không xưng vương thì ắt
xưng tao
Ta bỏ sách đi lùng tứ
phía
Chùa Long Huê có người
mũ tía
Trải chiếu rơm viết một
chữ Bùi
Ta giả nhà sư đi ngắm
nghía
Biết rằng Bùi Giáng
ghé am chơi
Thế thì dòng dõi nhà
ta quậy
Tửu sắc đều say đến bốc
trời
Không lập đế vì ưng
rượu đế
Cổ lai chinh chiến kỷ
nhân hồi
Không lập chúa vì ưng
nữ chúa
Thà lên… Bùi mãi, chẳng
lên ngôi!
Chỉ cần hai ví dụ có
nhân chứng, vật chứng trên đây tôi thiết tưởng độc giả cũng đoán được Bùi
tiên sinh điên hay tỉnh. Theo tôi, điên hay tỉnh tùy phản xạ và đề kháng của
chính ông khi tiếp xúc với người lạ. Gặp kẻ ác, kẻ vô cảm, kẻ ăn hiếp phụ nữ
trẻ con và súc vật thì ông điên tới bến. Còn gặp tâm hồn tri âm tri kỷ đồng
điệu thì ông tỉnh táo như “trích tiên” Lý Bạch chứ sao.
Thực ra định mệnh còn
bắt tôi và Bùi tiên sinh đối tửu đối thơ trong những lần gặp nhau. Tôi nhớ có
lần hẹn hò với nhà thơ Nguyễn Đức Sơn (hạ sơn từ núi Đại Lào) tại quán cà phê
Hội Văn Nghệ TP 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3 thì trời… sắp mưa. Trong lúc “ngồi
đồng” vì Nguyễn Đức Sơn chưa đến, tôi trò chuyện với anh Bùi Bảy và Vũ Ngọc
Giao cho đỡ buồn. Ai ngờ đang trò chuyện rôm rã bỗng Bùi Giáng vác một túi vải
đi đến. Trong bộ cánh “cái bang” Bùi tiên sinh mở túi vải cho bầy chó con chạy
lăng xăng rồi múa may một điệu nhảy bộ lạc quanh bàn chúng tôi, sau đó kéo ghế
ngồi gấp bởi… trời trút mưa đột ngột. Bùi tiên sinh chỉ mặt tôi rồi phán:
“Bùi hậu sinh xuất khẩu ngay một bài thơ về trú mưa cho Trẫm. Thơ hay lát nữa
Trẫm đãi két bia”. Dưới sự chứng kiến của những người cùng ngồi, sau khoảng
15 phút bài thơ HIÊN MƯA của tôi ra đời. Bài thơ khiến ông Bùi rất khinh
khoái. Xin phép chép bài thơ ra đây cho các bạn thưởng thức:
HIÊN MƯA
Một hôm lãng xẹt mưa rơi
Giọt thưa giọt nặng khiến đời có hiên
Ta vào trú tuổi thanh niên
Chưa hai thứ tóc đã quên thiếu thời
Một hôm lãng xẹt mưa rơi
Thất thanh ta gọi em ơi đỡ buồn
Ngoài hiên đám trẻ bất lương
Coi thường phụ nữ cởi truồng tắm mưa
Trong hiên người lớn chẳng vừa
Nâng ly kể chuyện ngày xưa đa tình
Ta ngồi nghe ngóng văn minh
Uống một mình thấy hai mình ngất ngư !
Sau bài thơ tôi ứng khẩu, Bùi tiên sinh phun
một loạt thi phẩm “tiếng lái” của ông. Thơ ông “độc” và “siêu” đúng trường
phái Hồ Xuân Hương và tôi cũng tung hai bài thơ tiếng lái là bài QUỐC KỲ và ĐẢO
NGỮ HÀNH đáp lễ. Bùi Giáng khoái chí quá tuyên bố: “Khanh là hậu sinh đối với
Trẫm về thơ tiếng lái. Khanh thuộc loại “lái dỏm” bởi Hồ Xuân Hương và Trẫm
đã làm trước rồi”.
Tôi bật cười và buộc
phải chứng minh trường phái thơ “không giống ai” của mình. Đó là kiểu thơ
chơi chữ tối đa nhằm xả stress. Cụ thể tôi bỏ các dấu gồm “dấu huyền, dấu hỏi,
dấu sắc, dấu ngã, dấu nặng” xuống các mẫu tự của 24 chữ cái hoặc các từ ngữ để
chúng hóa thành thơ. Xin thí dụ một vài đoạn ở đây:
BÃO
Giữa cuộc đời giông bão
Ta ruột xé gan bào
Văn miếu nuôi cường bạo
Triều đình nuôi hổ báo
Mình ta nuôi chiêm bao
QUẬY
Ở biển ta là cá quẫy
Sao ngươi đem bỏ mặt quầy
Giang hồ có câu phải quấy
Lẽ nào ta chịu lăn quay
Lẽ nào ta không dám quậy ?
THƠ
Có con ong thợ
Không thèm hít thở
Khí hậu đền thờ
Cho nên có thớ
Mật thành ra thơ
Cuối cùng chúng tôi
kéo rốc qua quán bia đối diện ăn mừng cuộc tao ngộ chiến thành công tốt đẹp.
Ngày Bùi Giáng mất,
xác quàng tại chùa Vĩnh Nghiêm tôi có đến viếng ông. Thức một đêm cạnh quan
tài Bùi tiên sinh cùng với bà chị nghệ sĩ Kim Cương (người lo hậu sự cho đám
ma Bùi Giáng). Đêm đó chị Kim Cương và điêu khắc gia Phạm Cung đồng ý với tôi
rằng sự nghiệp thơ ông Bùi không chỉ nằm trong sáng tác mà còn nằm trong
chính cuộc đời của một vị trích tiên. Rằng ông giả điên như một “hành giã”.
Thuở còn sống ông chỉ chơi với trẻ con, chuồn chuồn, châu chấu mà không hề
quan tâm đến những kẻ hò reo tên tuổi hoặc ăn theo hư danh của mình…
Nhắc về chuyện thương
yêu muông thú và bảo vệ môi trường phải nói ông Bùi là người có tình nghĩa số
một, ông coi chim chóc cũng như con người. Tôi nhớ có lần gặp ông nằm khóc bù
lu bù loa như con nít trước nhà Nguyễn Lương Vỵ bèn ngồi xuống hỏi tại sao
thì ông giãy đành đạch mếu máo: “Bùi hậu sinh biết không Trẫm gửi một
con chim se sẻ cho Phượng vợ thi sĩ Vỵ chăm sóc nào ngờ con chim sẻ bị con
mèo hoang ác ôn mở cửa lồng ăn thịt nên quyết đến đây đòi lại xác con chim để
làm đám ma long trọng cho nó”.
Viết đến đây cũng quá
đủ để nói về tính cách của ông. Một vị trích tiên “tỉnh trong điên” và “điên
trong tỉnh”. Bài viết này dù có muộn màng sau ngày giỗ của ông nhưng cũng là
một nén nhang thắp cho bậc tiền bối “nhất phiến tài tình thiên cổ lụy”. Chỉ
vì một chút tài tình mà vướng lụy ngàn năm./.
Cuối tháng 9-2010
Bùi Chí Vinh
theo vanchuongviet.org
Mộ Thi sĩ Bùi Giáng
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét