Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Cậu Grab


Truyện ngắn 


GÓC XÉO CÀ PHÊ SÁNG (1)

1          1.CẬU GRAB

       Như một thói quen, sau khi chở đứa cháu tới trường, lão quẹo ra con đường dẫn tới quán cà phê thân thuộc. Đôi lần, thấy thèm thèm thì ghé vào quán cóc vệ đường điểm tâm dĩa bánh ướt nóng phỏng lưỡi, hoặc tô bún bò Huế cay xé miệng.

       Đã mấy tháng nay, cái quen hơi buổi sáng ấy lây liếm trong sở thích của lão chỉ có thế. Nắng hay mưa, lão chả cần quan tâm. Cũng chẳng chú ý gì mấy cái cảnh người đi đến công sở hoặc chở hàng vùn vụt trên đường hoặc ùn ùn ở ngả tư. Đèn đỏ, ngừng; đèn xanh, đi. Chiếc Future 125cc mang hai ông cháu cứ mỗi sáng từ trong hẻm sâu len lỏi ra đường cái, dọt lên lách qua tránh lại đâm tới theo quán tính thiên tài tham gia giao thông của dân Việt hiện đại. Dám thề rằng những cô gái, chàng trai, các ông và cả quý bà cưỡi những chiếc xe máy đang vi vu trên đường chẳng có mấy ai có bằng lái xe A1, nếu có chưa chắc là bằng chính quy; do vậy người ta chạy thoải mái, biểu thị tính hiển hách vô luật. E rằng, nhất là mấy bà mấy cô, ( xin lỗi nhé ) cứ nghĩ phụ nữ là ưu tiên nên ít khi nhường ai, chả thèm né tránh cho dù có gặp xe lỡ quá trớn đối đầu. Theo thống kê mà Ủy ban An toàn Giao thông kê ra qua các báo trong nước, mỗi năm bình quân hơn 15 ngàn người tử nạn trên mọi con đường phẳng phiu tân tiến khắp mọi miền đất nước thân yêu . Rất tiếc không thấy phân lượng giới tính.

       -Úi chà, hơi sức đâu hè ! Mụ vợ lão méo cái môi lên dè bỉu chê lão nhiều chuyện.

       -Cái bà ! Đúng là mèo bếp !

      Về nhà, thường ngày xảy ra như thế, sau khi lão tiêu hóa hết mấy miếng bánh ướt hoặc nhúm bún bò mất gần hết buổi sáng ở quán cà phê.

      -Vẫn như cũ bác a ?!

      Lão gật đầu cười với cô bé chạy bàn, kéo chiếc ghế gỗ sơn màu ô-liu ngồi xuống ở góc quán quen thuộc. Vị trí lão thường ngồi nằm ở góc ngoài của quán, phía trước là hàng hiên có mái bạt kéo, chiếm hết một nửa vệ đường, vừa đủ kê vài cái bàn theo chiều ngang trước mặt quán. Nửa phần còn lại dùng để xe, những đuôi xe vừa ngấp nghé sát đường lớn. Khách uống cà phê, từ trong nhìn ra, có thể thấy rõ được xe mình. Tuy vậy, ở đây vẫn có người giữ xe. Chỗ ngồi của cậu ta là dưới gốc cây bằng lăng công cộng, điểm biên giữa hai căn nhà phố. Từ vị trí này, kề dãy xe, dễ kiểm soát.

       Cậu ta, lão gọi là Cậu Grab, xem xém bốn mươi bảy cái sự đời, nét mặt hơi khắc khổ với lớp da xanh xanh, nụ cười thân thiện làm những nếp nhăn ở hai đuôi mắt nổi lên như vết khắc trên đá. Cậu Grab có cái tật hay giật ngược đầu hất mái tóc trước trán lên cao, lấm tấm vài sợi bạc. Cỡi chiếc áo khoác màu xanh lá có in logo công ty bỏ vào chiếc mũ bảo hiểm cùng màu ném vào gốc cây. Rảnh rổi, đôi lần, cậu ta kéo ghế ngồi kề lão tán gẫu năm ba chuyện vẩn vơ, chuyện làm ăn, chuyện ông này quan nọ, giết thời gian trông chờ hết ca làm. Dường như, quán cà phê là nơi thu thập thông tin thời sự nhanh nhất cho dù phần nhiều ai cũng có cái @ di động. Ờ, cậu ta chỉ trông xe buổi sáng thôi. Còn lại chạy grab thồ, rồi phụ dọn hàng, chở vợ từ chợ về. Cơm nước xong, ai gọi thì tranh thủ vài cuốc thồ đêm. Đã mấy lần Cậu Grab chở lão ra bến xe Miền Tây nên lão quen miệng gọi tên như thế, cũng vì chả tò mò hỏi han đời tư ai bao giờ. Nghe phong phanh cậu ta là em chồng của chủ quán. Đơn giản thế thôi, bác ha! Gói gọn nghe thì thế, nhưng chẳng đơn giản chút nào về sự mưu sinh. Chiếc Future cùng lão di chuyển buổi sáng vẽ ra một đường cong quẹo đơn giản, nói ra miệng chỉ là vài câu đơn giản, viết ra giấy cũng chỉ vài dòng chữ giản đơn, chẳng mấy cái chấm phẩy xuống dòng. Thế mà lão ngẫm đi nghĩ lại thấy chẳng đơn giản chút nào.

        Cậu ta kể trước đây cũng là tay anh chị từng trải trên chốn buôn lậu hàng cấm từ biên giới Cam-Bốt về. Dù chung chi, lót đường đầy đủ nhưng vẫn bị mấy trận phản phé. Phải tăng phí, đương nhiên lượng hàng phải nhân lên. Gan mật cũng tăng thêm tính bạo tợn theo sự tăng trưởng đầu tư kinh tế đúng quy...trình. Chỉ có cái mà cậu ta quên tăng, đó là sự nghi ngờ vào kẻ có quyền đã thề hứa bảo lãnh cho cậu ta. Ba tháng trong tù, cậu ta mới ngộ ra chiều sâu của cái-nên-tăng và cái-nên-giảm đối với những kẻ hùng hổ bá quyền độc trị, nói một đường làm một nẻo. Trong vòm trời lem luốc thu hẹp này, hai chữ bảo tín thật phung phí y như phải ấm ức mua cái an sinh BHXH nhà nước vậy thôi.

       Bạc tỉ trong tay cũng đã rồi, bây giờ bạc lẻ cũng thế thôi, mà khỏe, bác ha ! Cậu ta nhún vai ngửa hai bàn tay ra nói, sau khi mời lão một điếu thuốc Jet. Giọng nói mang hơi hướng bất cần nhưng không có vẻ gì bi quan lắm. À, ra thế, dường như lão hơi hiểu hiểu hai tiếng “đơn giản” thoát ra từ miệng Cậu Grab. Nó mang một cái gì nhè nhẹ từ lồng phổi cậu ta phả ra theo khói thuốc. Khà hết một tách trà còn nóng mà lão vừa mới rót ra cho cậu ta, tiếng khà chả khác chi mấy tiếng khà của bợm nhậu khà rượu. Dường như cậu ta sợ cái kí ức hãi hùng còn sót cặn bã trong cổ họng nên khà cho nó trôi tuột xuống dạ dày, sẽ tiêu hóa ra cửa hậu môn và rồi, có thể cậu sẽ khà thật dài một tiếng khoan khoái rất nhẹ nhàng.

       -Cuộc sống là thế thôi. Tranh đua làm gì. Chết chẳng mang theo được chi. Phải không bác ?


      Chợt nhiên cậu ta buông ra một câu nghe quá quen như thế. Lão đến đỗi nhàm tai, nhưng vẫn gật đầu đồng ý. Xét cho cùng, câu triết lý cùn ấy rất đúng. Thế nhưng nó thường xuất hiện trên môi miệng của kẻ thất bại, mất mát và kẻ luôn chán chường. Dường như, nó là phản ứng tự vệ cuối cùng để con người chối bỏ tuyệt vọng và tìm thấy chút bình an. Những kẻ quyền uy, giàu có, đang ăn ra làm nên...chẳng ai nói thế, dẫu rằng họ vẫn biết tận ngọn nguồn sự thể ấy. Cậu ta dùng ngón trỏ gõ gõ lên mặt bàn hát “ tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây”, rồi nói:

      -Ông Phạm Duy, thật chán !!

      Lão đang suy nghĩ về “cái mang theo được chi”, buột miệng:

      -Chán sao ? !

      Lão chỉ chỉ ngón trỏ vào đầu. Cậu grab ngồi thu mình lại, có vẻ đang mơ màng điều gì đó, mắt nhìn ngước lên trời, hướng mắt bị tấm bạt cắt xéo một vạt nắng mai còn mang chút hơi lạnh của cơn mưa đêm vướng lại.

      -Dạ. Em đơn giản vậy thôi. Buông bỏ tất.

      Cậu grab vừa khoát tay vừa nói, có một chút lạc giọng và hơi gằn. Bình thường cái giọng Trung pha Bắc kia nghe nằng nặng nhưng tếu tếu, lão cười với câu nói được thốt ra từ miệng ấy đã biết bao lần, quen như một câu cuối của điệp khúc được lập lại nhiều lần trước khi kết thúc bản nhạc. Lão nhìn thẳng vào mặt Cậu Grab, cố phát hiện trong giọng nói ấy hôm nay có gì khác thường. Cậu Grab đưa hai nắm tay giụi giụi mắt rồi cũng nhìn trực diện vào lão, miệng cười hài:

      -Đừng quên cái bản mặt khốn nạn này nhe bác. Biết đâu mai này em và bác sẽ còn tái ngộ trên...mây !

      -Nói bậy! Cậu mày...

     Câu nói của lão bị tắt ngang vì cái vết thâm thâm xanh vắt qua sóng mũi của Cậu Grab như mới hiện lên đập vào mắt lão. Lão cố xua cái linh cảm lạnh lạnh vừa nhú ra trong ý nghĩ. Cố hút hết chút cà phê cặn đọng trong đáy ly, vỗ vào tay cậu ta lão nói như để tránh né :

     -Ờ này, Cậu Grab, trưa chiều ngày mốt nhe. Đi bến xe Miền Đông.

     -Cái gì bác, đổi hướng rồi à ?

     -Quên quên. Bến xe Miền Tây như mọi khi. Nhớ là Thứ Sáu đó nghe !

      -Ok, bác.
*   *
*
       Sáng nay, đầu tuần, lão lại chở thằng cháu đến trường, vẫn trên con đường quen thuộc ồn ào tiếng xe gầm rú. Tự nhiên lão quan sát rất cẩn thận và chạy chậm hơn thường ngày. Chẳng phải lão sợ mấy ông áo vàng núp ló trước ngả tư kia. Ngày nào chả có bọn ấy, nhưng tai nạn vẫn cứ đều đều tai nạn. Lão nghe văng vẳng bên tai tiếng mụ vợ nhắc nhở chạy chậm thôi nghe ông, già rồi còn hăng máu mà làm chi. Hôm qua đầu ngả tư lộ có tông xe nhau thảm khốc lắm đó. À, cái...mèo bếp này, lèo nhèo lẽo nhẽo hoài. Ai mà chẳng lo thân chứ. Lão nghĩ, mình chỉ xếp hạng trung bình chạy thôi. So gì, cái thời còn ở lính ấy, cưỡi mấy con Dodge, mấy con GMC chở hàng quân tiếp vụ chạy vù vù dội đèo lượn dốc, đôi khi nghe mìn nổ sau xe còn chả ngán. Rồi cái thời chở hàng xuyên tỉnh khi cần, phải liều mạng vượt ào qua mấy cái trạm thuế vụ đến lì mặt. Ối dà ! Cái Honda téo tẹo này chỉ là búng ngón tay ! Lão rất bực mình khi có mấy cô ả ăn mặc sang trọng, chạy xe đời mới cứ rề rà trước mặt lão như muốn khoe mẻ hoặc mấy ông anh ra vẻ rối việc vừa chạy xe làng nhàng vừa nghe điện thoại. Bằng cách nào lão cũng phải vượt qua mặt. Chứ hăng máu đéo gì, nếu còn hăng lão đã khoái chạy sau mấy ả, kể cả xồn xồn ngắm mấy cái mông nhìn mấy cái đít ẹo qua ẹo lại, nhỗm lên nhỗm xuống không vui mắt sao. Hăng gì ! Ờ mà cũng thương cái mèo bếp thật. Khi không, sáng nay, lão cảm thấy mình ngoan ngoan thế nào ấy. Chậm xe lại gần như dừng hẳn, lão nhìn phía sau rồi cho xi-nhan quẹo trái, rà rà chạy về hướng quán cà phê quen thuộc.

      -Vẫn như cũ hả bác !

      -Ừ, vẫn vậy.  Cho bác mượn tờ báo nhé !

      Lão cố ý kéo dài uốn điệu tiếng nhé rất nhẹ. Cô bé phục vụ chậm rãi quay vào trong, mặt chẳng có chút biểu hiện cảm xúc gì. Cũng không có tiếng thưa tiếng dạ, chứ chưa nói gì nghe được tiếng cười lí nhí dễ thương như thường ngày. Hơi chột dạ, nhưng lão không để tâm làm chi.

      Vừa lật trang báo, lão nghe lỗ mũi hăng hắc mùi nước hoa, vừa có tiếng phụ nữ bên tai lão:

      -Anh biết gì chưa ?

      -Biết gì?

      Cô chủ quán, tuy thuộc lứa xồn xồn đang thời hồi xuân, gọi cô cho dễ cảm tình, kéo chiếc ghế từ bàn sau lên ngồi xuống cạnh lão. Cô ta thở thật dài, đưa tay vuốt ngực nói như bị ngộp tim:

     -Thằng Tú chết rồi !

     -Tú ? Tú nào ta ? Lão có vẻ bình tĩnh.

     -Thì thằng Tú giữ xe đó !

     -Grab ? Cậu Grab ?!

    Giọng chợt gấp gáp, cảm thấy hơi thở bị ngưng nghẹt.

     -Tông xe, chiều tối ngày kia anh à.

     -Thứ Sáu hả ?

     -Dạ, xui xẻo tội nghiệp. Cũng vì miếng ăn cả. Nghe nói đón nhầm khách ở thổ địa của một hãng xe khác, bị rượt đánh. Dọt nhanh để thoát thân, không may một chiếc xe ben chở cát chạy ngược...

     Tai lão đang ù dần, mất hẳn tiếng cô chủ đang kể lể dài dòng về cuộc hành trình mưu sinh oanh liệt ngọt ngào và cay đắng tủi nhục của cậu em họ hàng bên chồng. Đâm mắt vào gốc cây bằng lăng đối diện, một chiếc ghế nhỏ dần nhỏ dần rồi teo hút đâu không còn thấy nữa. Bây giờ, lão mới nhận ra, không gian cà phê sáng hôm nay có gì đó thiếu vắng. Cái linh cảm hôm nọ thật sự hiện về bấu xé lão. Đã từ bấy lâu, cõi xúc cảm trong lão gần như trơ hóa, đang gỉ sét dần. Nay nó chợt chuyển động khi một cánh chim vô hình từ đâu bay xẹt qua mắt mổ vào tim lão vài cái rồi xa mất.

     Con người ta thật là kì quặc ? Hay cuộc sống kì quặc ? “Ta chạy vòng vòng. Ta chạy mòn chân. Nào hay đời cạn...” “vòng vòng” để làm gì, để về đâu hở ông Nguyễn Tất Nhiên ? Đâu chỉ để tìm “người từ trăm năm” ? Trăm năm là một giới hạn thực tại. Trăm năm cũng là cơ duyên tiền kiếp. A, thì ra ta vòng vòng tìm mình đang thất lạc ? Nghịch lý là chính lão  tưởng tìm thấy mình thật sự. Bởi lão dễ chấp nhận sự giới hạn tầm thường của bản năng. Lão cảm nhận mình yếu đuối đến cùng tận, nhìn mấy ngón tay mình vo vê ly cà phê đã cạn như biểu lộ sự mơn trớn vô hồn. Ý thức chạy mòn chân xô lão va đập vào tốc độ của Cậu Grab. Lão rùng mình, sợ hãi những quãng đừơng đã qua. Dù cuộc sống của lão bây giờ dư đủ, thoải mái sáng cà phê, chiều thích thì lai rai thong thả vài lon, chán thì đi thăm thú đâu đó và vân vân...Thế mà cái ý nghĩ đời cạn khiến lão thấy cạn thiệt. Cạn vốn, một cái vốn mà ta thường ngộ nhận bằng hiện vật. Sự khốn nạn của Cậu Grab do thiếu vốn này, cậu đành thế thân chịu nạn. Còn lão, vẫn trống rỗng loay hoay mòn chân  trong cái vòng vòng này.

      Lão nghĩ cái chết của Cậu Grab có liên quan đến lão. Sau khi chở lão ra bến xe về Cậu Grab đã gặp nạn. Nhưng lão chưa biết phải làm gì để ray rứt ấy bớt xót xa. Một nén nhang cũng đã muộn. Một lời cầu chỉ như tự xoa dịu mình. Thôi, cứ để hồn cậu ta tự do thoát mọi ràng buộc hữu hình mà du viễn thỏa thích muôn nơi.

     Lão ngớ ngẩn vội liếm chút cà phê còn đọng trên miệng ly. Ngước lên trời, góc mái bạt của quán cà phê cắt xéo một mảng mây trắng mỏng như bông gòn, mờ mờ lộ thoáng con mắt của chú hề Bip(*) nhìn xéo lão .

Cai Lậy 11/11/2017
                                                                                                     SatrungKim

----------------------------------------------------------------------
(*) Chú hề Bip, hóa thân của thiên tài kịch câm Marcel Marceau. Một nhân vật dễ xúc động, dễ tổn thương và luôn gặp nhiều tai nạn với những gì dù nhỏ nhất. Nhưng biết chịu đựng bất hạnh và vẫn luôn luôn yêu đời.
Ông viết: “Bip là người hùng lãng mạn trong thời đại chúng ta. Bip không chỉ nhìn hướng về thiên đường, mà còn vào tận trong Trái tim con người”. (theo Wikipedia)



1 nhận xét:

  1. Thuở thanh thiếu niên, lão mê Bip hơn Charlot. Những động tác của Bip biểu thị mặt trái cuộc đời, nhưng thật ra đó là mặt phải. Ta và cái tôi có khi là 2 mặt âm dương.

    Trả lờiXóa