Truyện ngắn
GÓC
XÉO CÀ PHÊ SÁNG (3)
3- CÔ CHỦ QUÁN
Lão thích tới quán cà phê này vì cà phê ở
đây sạch. Thật sự sạch. Không pha trộn thêm gì cái thứ bột ở chợ Kim Biên. Mỗi
lần cô chủ bỏ hạt cà phê vào máy xay nghe như tiếng suối róc rách, mùi núi rừng
phảng phất, hương của đất tỏa ra khắp quán. Những hạt nhẹ bay vướng vào mắt làm
cho đôi mắt nâu thêm, một màu nâu sắc lẻm pha những tia vàng phát ra ánh nhìn
huyền bí như mắt mèo. Với nụ cười khá uể oải, một chút gượng ép xoáy trên hai
lúm đồng tiền một nét duyên mơ hồ lộ ra hàm răng trắng đều mà lão nghĩ phải có
sự can thiệp của nha sĩ. Nếu không có lớp phấn mịn, chắc chắn lớp da mặt ấy khó
giấu hết những vết thời gian in lằn. Không biết lớp sần sùi, những đường nhăn ấy
chứa cái gì: sự tần tảo, đau khổ, từng trải, mê đắm...?
-...Anh biết đó, hồi ấy em có biệt danh
là “Beo Cái”.
-Ghê nhỉ !
-Đùng một phát ! Bỏ học. Mười bốn tuổi phải
nhảy tàu lửa, trốn vé, lao theo mấy bao mì lát phụ mẹ đi buôn rồi. Thời đó, như
anh biết, đem được nông sản ra khỏi địa phương là một vấn đề. Trốn chui trốn nhủi
như chuột. Chỉ dám đi tàu đêm. Khi nào cũng có tiền trạm thăm dò trước. Cộ bò
thường phi như ngựa, lỡ gặp mấy họng súng chặn lại vẫn quất đít bò phang tới
luôn. Ga thuộc xã khác, dù vậy hàng hóa phải đem giấu vào bụi chờ tàu tới vì ở
đâu cũng đầy “ông kẹ”. Lên tàu lại là một vấn đề, nhưng dễ giải quyết hơn. Có
khi phải nhảy trốn từ mái toa này qua mái toa nọ, thanh ngang những cầu sắt thời
Pháp thuộc như lưỡi kiếm một ác thần vụt tới tấp, cố ép mình nằm rạp xuống hết
cỡ, tưởng cái mặt bị cắt phẳng, thẩn thể mỏng lép như miếng giấy chao đảo vào địa
ngục vô diện. Cứ thế, mười sáu tuổi đã mang danh “Beo Cái”, nhanh và hung tợn
dù tuổi nhỏ nhất băng “Beo”. Lúc này mẹ ở nhà lo nương rẫy. Bé An còn đi học.
Ba vừa mất vì chứng sốt rét ác tính, bị nhiễm khi ở trại cải tạo, tái phát khi
về quê vợ phá rừng làm rẫy. Dân công chức bàn giấy mà, chịu sao nổi gánh đá vác
cây. Nhảy tàu thêm một năm nữa thì em đổi nghề.
Thú thật, sự trở chứng của tuổi dậy thì
đi qua em sao nó như gió thoảng. Chả biết làm thẹn làm duyên làm dáng cái mốc
xì gì cả. Mộng mơ là thứ xa xỉ và vô bổ. Chỉ nghĩ tới: tiền và tiền, là vì sợ
quá sợ: đói và đói. Có động lòng cảm xúc, não lại quy ra những con số hoặc đôi
khi chỉ tự vệ, chung quy là quần quật bảo vệ miếng ăn. Nước mắt có chảy ra cùng
là lúc những lời chửi rủa mắng nhiếc uất ức tuôn xả. Khi gặp Thìn em cũng chả
chút cảm xúc gì. Một tay lái xe từ chiến trường K về. Nhờ cái mác bộ đội ấy, được
vào lái xe hàng cho một công ty nhà nước ở Saigon, lại ranh mảnh khôn khéo nên
mấy trạm kiểm soát ít khi làm khó dễ anh ta. Em ăn theo đi buôn đường dài. Đa
phần là mỹ phẩm Thái Lan nhập lậu. Dong duỗi Nam Bắc em giàu lên không ngờ. Và
cũng không ngờ mình có chữa lúc nào chẳng hay. Đấy, con bé Tâm thường ẳm con nó
lên quán này đấy. Thuê phòng trọ ở Saigon, một mình vào Từ Dũ đẻ. Ba nó, gã
Thìn ấy, vất cho đống áo quần trẻ sơ sinh rồi mất tăm. Nghe nói vượt biên thì
phải. Sau này con An, em gái em qua Mỹ có dò la tin tức nhưng vẫn biệt tăm. Ối
dà ! tới đâu rồi ha ? À, mẹ em chẳng biết gì ráo cho đến khi con Tâm gần một tuổi
em bồng về quê. Ngỡ ngàng, thở than rồi cũng huề. Cái chuyện con không cha, xóm
làng quê em bắt đầu dần quen. Dỡ dang như em thì có mà như nấm sau cơn mưa !
Thoát nghèo, không phải. Thoát chén khoai củ mì nghẹn họng, muốn thấy được hột
cơm thì phải nối đuôi nhau ra khỏi làng, bươn chải đường dài đường ngắn, lợi dụng
nhau mà kiếm sống. Phụ nữ...ôi, Thượng đế năm bờ oăn!
Có chút vốn, em làm lại cái nhà mới khang
trang hơn. Lấy chút ít bánh kẹo, xà phòng, đường muối, tạp nhạp thứ tiêu dùng từ
chợ huyện về cho mẹ bán. Lời lãi chả bao, nhưng cốt để mẹ ở nhà. Rẫy nương tới
vụ thì thuê người làm. Mua cho con An chiếc xe đạp về huyện học cấp 3. Lúc này
cuộc sống có phần dễ thở, một thứ dễ thở như gió vù qua lỗ mọt của tường sắt gỉ.
Cộ bò chất đầy nông sản ra ga ít cần tiền trạm. Sân ga bớt hoạt náo hơn, có vẻ
thưa dần con buôn lên xuống. Đùng một phát ! Cả làng quê em bỗng chộn rộn khi ở
huyện mọc lên nhà máy đường. Thế là, theo chủ trương chuyển đổi cây trồng, nhà
nhà cải tạo đất canh tác từ mì qua mía. Ở làng mọc lên hai cái che mía. Một cái
do bò kéo, một cái chạy bằng máy nổ của Hợp tác Xã. Em nhanh chóng thu mua đường
nước, rồi thu mua mía vườn móc nối với nhân viên nhà máy đường kiếm chênh lệch.
Được vài mùa thì teo.
-Teo là thế nào?
-Thì mất mùa. Khô hạn, thất thu. Nhà máy
kêu than, tạm đóng cửa. Em, máu “Beo Cái” tham lam bung tiền mua vườn từ khi
người ta mới xuống giống. Lỗ sặc sừ. Bỏ nghề, bỏ làng theo bà chị họ ra tỉnh mở
quán cà phê.
Thật ra định nghe lời bà chị họ vào làm một
công ty dệt nhà nước. Chồng chị ấy là trưởng phòng kinh doanh thì phải, em nhớ
mang máng thế, bà chị là văn thư. Được cấp một căn hộ ở khu tập thể nhà máy.
Khu này ở trung tâm thành phố tỉnh. Hằng ngày có xe đưa rước ra nhà máy ở ngoại
ô và chiều đưa về. Căn hộ gia đình chị ở căn bìa, phía ngoài là khoảng trống
khá rộng kéo dài ra đường lớn. Bà chị họ khi ở cữ đứa đầu, đã tận dụng thời
gian rỗi dựng lên mấy tấm tôn bán đồ lặt vặt. Ngõ hẻm này thông thương giữa hai
đường phố lớn, nên người qua lại khá đông. Ý nghĩ bán nước giải khát nhảy tưng
trong đầu em, tuy cái máu bươn chải có phần héo hon trong lòng sau vụ mía,
nhưng chữ tiền làm em lại háo hức. Được anh chị họ đồng ý tùy nghi sử dụng, em
bòn hết vốn liếng còn sót lại đầu tư vào cái quán. Nói thiệt với ông anh chứ,
biết mẹ gì đâu cà với phê. Thời gian làm quán, mẫu mã thiết kế, bàn ghế cũng
như thợ thầy do ông anh họ lo hết, em lao vào mấy quán cà phê khắp thành phố để
học lõm. Sáng quán này, chiều quán nọ, tối quán kia riết ghiền cà phê luôn. Mà,
phải rồi, cà phê có chất thông minh đó anh.
Lão phì cười đến phun nước miếng. Cô chủ
dễ thương như một đứa trẻ.
-Thiệt mà. Em thấy mình biết động não
hơn. Có khi ngồi quán nhìn cái này cái nọ mà suy nghĩ về cuộc đời nè. Mấy người
ngồi trước ly cà phê thấy họ vô...vô gì ta, à vô tư. Em nghe nói mấy ông thi sĩ
ghiền cà phê lắm, phải không anh ?
-Không biết nữa. Cũng có thể họ ghiền một
cái gì đó.
-À ha ? Để em kể tiếp. Thời gian đó, con
An ra tỉnh học Cao Đẳng Sư Phạm. Phải thuê nhà cho hai chị em. Mẹ muốn giữ con
Tâm lại để mẹ bớt cô quạnh. Em đồng ý. Căn hộ gia đình bà chị họ có một gác lững
nhưng cũng rất bất tiện chuyện sinh hoạt vợ chồng người ta. Vài tháng sau, con
An biệt tích. Thật ra chuyện nó vượt biên hai chị em đã suy tính rất kỹ, không
cho ai biết kể cả mẹ. Trước đêm nó theo thằng bồ ở xóm chài đi lưới, hai chị em
ôm nhau khóc như chưa từng được khóc. Vừa lo sợ vừa hy vọng. Chưa bao giờ em
thao thức suy nghĩ về cảnh đời cay đắng thế. Về thăm quê, mẹ hỏi An sao lâu
không về. Dạ, nó đi thực tập xa lắm mẹ. Dần dà mẹ hồ nghi có chuyện gì. Em cố
lãng tránh. Đùng một phát ! Thư nó từ Mỹ gởi về. Mẹ con ôm nhau khóc sướng chi
lạ ! Mẹ đấm thụi thụi vào lưng em tổ cha bây, tổ cha bây. Hai mẹ con cười vang
trong nước mắt giàn giụa. Có lẽ suốt cuộc đời mình, đây là lần duy nhất em cảm
nhận được sự ấm áp của tình yêu thương thật sự.
Phải, ngay cả bố Khương, không thể gọi
là tình yêu được. Mặc dù Khương đã trung niên, từng là thủ trưởng của chồng chị
họ em. Sau này chuyển qua Hải quan. Gọi bố Khương vì anh chị em ở khu tập thể gọi
vậy. Ông ta là khách thường nhật của quán. Một bữa nọ, ông ấy mang tới một cái
bảng, tầm 50x80, rồi loay hoay treo dưới mái tôn ngoài, giữa trung tâm quán. Từ
đó quán có tên “Cà phê Dệt”. Cha mẹ ơi, tên gì kì cục ! Vậy mà “Cà phê Dệt” lại
đông nườm nượp. Có thể bố Khương còn chút tiếc nuối cơ quan cũ. Cũng có thể vì
ý gì đó, chẳng hiểu. Những buổi đông khách, như Chủ Nhật, em lo không xuể từ
pha chế, tính tiền, bưng bê đủ thứ chuyện đổ mồ hôi, phải nhờ mấy cô công nhân
trẻ phụ việc. Trả thù lao xứng đáng. Ai cũng vui vẻ. Quán cũng là chỗ nhậu đêm
của ông anh họ và bạn bè anh ấy. Một sáng Chủ Nhật nọ, bố Khương bảo em chiều
nghỉ bán. Hôm nay tiệc đưa tiễn. Tuần tới bố chuyển công tác ra cảng tỉnh khác
rồi. Hồi đó bia bọt thuộc loại hiếm, thị trường đa phần là bia lên men. Nhưng
cuộc chia tay đó bố Khương cho bày mỗi bàn mỗi chai rượu ngoại thứ thiệt. Mấy
tay đệ tử dự phòng thêm mấy chai nữa. Đêm ấy bố Khương gục ngay tại bàn khi chỉ
còn vài người kề cà tới khuya. Đệ tử dìu chở vể không chịu, bảo ở lại Cà phê Dệt
mà thôi. Em thật lúng túng. Nhờ ai đó dìu ông ấy lên chiếc ghế bố. Nghe tiếng
ngáy như bô xe ai cũng cười. Sau khi phụ dọn dẹp, mọi người về hết. Không lẽ để
bố Khương một mình ở quán. Bà chị họ ném cho chiếc chiếu và tấm màn hoa rồi khất
khưởng về ngủ. Lấy tấm màn đắp cho bố Khương, trải chiếc chiếu ở gần quầy nằm xuống,
đầu hơi nhưng nhức do mấy ly rượu. Ngủ thiếp lúc nào không hay. Đêm ấy hình như
mơ mình có cánh bay bay thì phải. Đùng một phát! Cánh đập vào ngọn núi. Nghe
đau thốn. Choàng tỉnh dậy nhưng không nhúc nhích nổi. Bố Khương đang đè mạnh
trên mình. Thế là xong. Nằm đơ người chẳng biết muốn khóc hay cười nữa.
Khoảng vài tháng sau, một chiếc Ku-oát
phanh “roét” ngay trước cửa quán. Bố Khương nhảy phóc ra. Một người đàn ông trẻ
khệ nệ ôm một chiếc tivi vào quán. Để trên quầy đi, bố Khương nhìn em nói tiếp,
hàng nội địa Nhật đó. Suốt cả buổi nỉ năn, em vẫn từ chối không theo ông ta ra
tỉnh mới. Nhìn cái tivi em chẳng vui vẻ gì. Thời đó, có tivi dù đen trắng là
oách lắm. Với em, chỉ tổ mệt thêm vì khách đêm thường ngồi nán hết chương
trình.
Ông anh này, em nói giọng Bắc lai tứ
phương tám miền đây anh nghe rõ không ?
-Bắc tổng hợp, quá hay !
-Rõ hiểu là tốt rồi. “Quá hay” là nịnh dẽo,
tính sau. Cao hứng, nhiều khi quay lại cái chửi thề chửi tục ông anh bỏ quá cho
nhe.
-Vậy mới vui, mới thực lòng.
-Em nhớ khoảng tháng tư năm sau. Một ngày
nắng như thiêu. Chiếc Ku-oát lại “roẹt” trước cửa quán. Lần này là một đầu
video, một tivi màu nội địa, một chục băng video. Chẳng bao lâu sau, em sang lại
cho bà chị họ hết. Giã từ Cà phê Dệt, em lên đường theo tiếng gọi...hàng nội địa
Nhật. Chơi bạo giàu nhanh. Hàng điện tử phế thải từ Nhật nhập về cảng có bố
Khương lo. Xe quân vận chở hàng quốc phòng bố Khương cũng lo tuốt. Thế là em
thành tay buôn có hạng trong giới “hàng nội địa”. Phục vụ phân phối một phần miền Bắc. Bố Khương vừa có người tình trẻ
vừa có thu nhập to. Có điều, nghĩ lại cười chết được, từ giới buôn lậu cho tới
quan chức ai cũng tưởng em là con bố Khương. Cứ thế được hơn một năm thì...
-Đùng một phát !
Lão cắt ngang cười kha khả. Cô chủ quán
như bị chặn họng, nguýt lão một cái:
-Anh này! Ờ, được tin mẹ bệnh nặng, em về
quê ngoại.
-Xin lỗi. Mình tưởng...
-Dạ. Bác sĩ huyện nghi ngờ mẹ ung thư. Em
tức tốc xin đưa mẹ vào Chợ Rẫy. Lúc này bé Tâm sắp vào lớp một. Nhanh thật. Thời
gian nuôi mẹ bệnh, nghe lời bàn tính của một bà cô xa ở Biên Hòa. Nào là tương
lai bé Tâm, nào là thành phố dễ thở hơn ở quê. Nhờ dành giụm được kha khá. Em
mua một căn nhà cấp 4 còn dư, hồi đó phường 18 bên kia kìa, đất rẻ lắm. Bên này
còn là khỉ hoang gà gáy, ruộng và hồ
rau muống thôi. Khu nghĩa địa đầu đường này nè, là địa cứ xì ke ma túy, ít ai
dám đi qua đây. Sửa sang nhà lại chút đỉnh, đưa mẹ về, nhờ người bà con ngoài
quê vào phụ chăm sóc. Vài tháng sau mẹ qua đời trong cơn đau đớn. Đưa mẹ về nằm
gần ba ở quê theo ước nguyện. Trở lại thành phố, nhiều đêm nằm quệt nước mắt,
thấy cô đơn đến lạnh người. Ôm siết bé Tâm, chút hơi ấm cuối cùng an ủi. Bán hết
rẫy đất, nhà cửa ở quê. Quyết định lập nghiệp ở đây, thành phố này. Trước khi
vào làm ở xưởng may, em có ra tỉnh cảng nọ tìm bố Khương. Bất phước, ông ấy bị
dính pháp luật đi tù. Ngồi tàu lửa về lại Saigon, qua ga xép cũ, nhìn quê ngoại
trong đêm mờ trăng thấy mình khác lạ. Rất khác lạ. Tàu vùn vụt. Thời gian vùn vụt.
Em vùn vụt bay ngoài không gian mênh mông. Lên cao nhẹ tênh rồi chúi xuống nặng
chơ vơ. Buồn và khóc. Cho tới khi xuống ga vẫn chưa nhận ra mình.
Lão bùi ngùi định nói gì đó, nhưng hơi bối
rối nghe tiếng thở dài. Tiếng thở dài lôi quá khứ tuột ra những hình ảnh được nối
liền nhau bằng những sợi chỉ nhỏ.
-Để em kể tiếp. Vào công xưởng may làm
được gần ba năm. Em nhảy ra ngoài, mua máy may, về quê tìm thợ, thật ra là mấy
đứa bà con gần xa thất học đem vào chỉ dạy cho dần dần thành thợ may chuyên
nghiệp. Vào đúng cái thời hàng may mặc xuất qua Đông Âu đến chóng mặt. Trước
tiên là nhận từ các công ty về gia công. Khi đã thấy ổn định vững vàng, em tìm
đối tác xuất thẳng qua cho họ. Dĩ nhiên em phải mua thêm đất, xây nhà xưởng mới
làm nổi. Đó là thời xã hội như rắn đang lột da, không còn sợ mấy họng súng lăm
le như trước kia nữa. Tuy chưa phải thoải mái lắm, nhưng thông thoáng hơn nhiều.
Bắt đầu các công ty tư nhân mọc lên như nấm. Em cũng theo thời, mở công ty cho
dễ làm ăn.
Năm bé Tâm vừa vào cấp 3, dì nó, con An
từ Mỹ về thăm. Bây giờ là Việt kiều yêu nước rồi! Về thăm quê, quỳ trên mộ ba mẹ
nó quay quắt khóc như mưa như bão. Em dìu nó nức nở nghẹn lời. Nó định bảo lãnh
cho con Tâm qua Mỹ học nhưng em từ chối. Nó đi tao ở với ai. Hay chị cùng cháu
đi luôn. Em tìm cho một đực râu ria mà tựa đời. Khỏi! Đang làm nên ăn ra nghe mầy.
Sau này hẵng hay.
Chẳng có cái sau này nữa khi ông chồng
em đây đi vào đời em. Cũng thuộc dòng hệ đảng viên nòi. Cha là liệt sĩ. Mẹ tái
giá. Thích cầm cờ-lê mõ lết hơn cầm súng. Học trung cấp kỹ thuật, sau được đôn
lên Cao đẳng ngành chế tạo máy gì đó. Ra trường xin vào Nam, được phân về một
công ty ở miền Tây chuyên về máy móc nông nghiệp, sản xuất nông cụ. Gần sáu năm
thì công ty vỡ nợ, giám đốc vào tù cùng kế toán trưởng.
Nghe nói, máy móc gì nhập toàn đồ thải của Trung Quốc về chạy dăm ba bữa lại phải
sửa lui sửa tới hoài, nông dân bực mình la lối. Mất việc. Mất luôn con vợ và đứa
con trai hai tuổi. Chẳng biết nó bồng con theo ai. Về Saigon cầm cái bằng và thẻ
Đảng xin việc, trôi qua vài công ty vì bất mãn do không đúng chuyên môn, vài
nơi khácchỉ nghe hứa với hẹn. Chán, đốt thẻ Đảng, lang thang mấy năm trời với đủ
thứ nghề: xe ôm, sửa xe, phụ xe. Chạy mánh, làm cò đổi ngoại tệ. Vượt biên mấy
lần bất thành. Bắt được mối mấy ông tàu viễn dương, chuyển qua cung cấp ảnh
sex, lịch sex, phim video sex. Tổ chức chiếu phim sex thu tiền, bị đi cải tạo gần
nửa năm. Khi em gặp ổng là cùng làm ở công ty may. Ông ở đó trước em mấy năm,
chuyên chỉnh sửa máy, rồi Trưởng phòng Kỹ thuật. Khi em ra làm riêng ông vẫn
còn làm ở đó. Vì cần kỹ thuật máy, em đã dụ ổng về. Thấy ổng cần cù, đam mê máy
móc lại giỏi tay nghề em mở một cửa hàng bán máy may các loại cho ổng quản lý.
Chủ yếu máy cũ Nhật. Nói thật, giúp ổng chẳng qua vì lợi cho mình thôi chứ tình
cảm thì “trớt quớt”. Nhiều lần ổng có nói bóng nói gió, em nghĩ nói đùa bỏ
ngoài tai. Mà em, hình như chưa bao giờ nghĩ đến yêu đương, chẳng biết tình yêu
nó ra làm sao. Con Tâm mấy bận rù rì được a mẹ, mẹ giờ sắp xế chiều rồi, lỡ mai
này con lấy chồng xa ai lo cho mẹ, cũng cần người thủ thỉ đỡ buồn chứ. Sao được,
mẹ có yêu thương gì ông ấy đâu. Mưa dầm thấm lâu mà mẹ, không tình thì nghĩa
cũng được. Nằm gác tay lên trán nghĩ tủi tủi, sờ sợ cái cảnh lụ khụ nhìn bóng
mình trên vách rồi sẽ lú lẫn... Thế là, cưới.
Em suýt bỏ mạng khi bị hư thai mấy lần.
Bà bác sĩ bảo phải cắt bỏ buồng trứng. Điếc đẻ luôn. Chấm dứt niềm kiêu hãnh ngạo
nghễ của phụ nữ. Từ đó sức khỏe yếu dần. Đi đứng xương cốt muốn nứt rạn. Ngồi
lâu mỏi lưng khủng. Cũng là lúc Đông Âu dội hàng. Em sang bán hết nhà xưởng chỉ
giữ lại cái cửa hiệu kinh doanh máy may thôi. Nay cũng cho vợ chồng con Tâm rồi.
Về khu người Hoa trên này, đây là khu Hoa kiều vượt biên bị trả về, mua hai lô
đất. Một cái ở, cái còn lại cho thuê. Số mình bị trời hành hay sao ấy. Ăn không
ngồi chơi là sinh đủ bệnh. Năm ngoái sang lại quán này bán cho đỡ buồn, thấy khỏe
ra.
-Chồng em ít thấy lên quán.
-Ổng đi suốt ngày. Giờ theo mấy ông bạn
làm cò đất.
-Ổn không ?
-Không hiểu sao em luôn thấy trong mình
có gì đó hụt hẫng, đục khóet thành một góc trống vô hình tự hồi nào. Cảm nhận
như nó đang lớn dần. Một lỗ trống toang hoác như cảm giác khi mất buồng trứng vậy.
-Có lẽ em làm việc quá sức.
Lão nói vậy nhưng không nghĩ vậy. Một câu
nói mà lão dư hiểu chẳng có tác dụng gì ngoài cái lịch sự phải đối đáp. Cái lắc
đầu của cô chủ quán cũng thế.
***
-Vẫn như cũ hả bác !
-Vâng.
-Tưởng anh đi đâu mất tiêu rồi chứ.
-Lâu lâu đi đổi gió thôi mà.
-Chắc đổi luôn quá.
-Sao ?
-Người ta muốn tăng tiền nhà. Ý họ không
muốn cho thuê nữa.
-Hết hợp đồng à ?
-Dạ, chủ cũ hợp đồng ba năm. Hơn tháng nữa
là hết. Chắc thấy em bán được nên chủ nhà muốn lấy lại bán.
-Thời này nó vậy mà.
-Buồn thật.
Buồn thật buồn. Thời gian như một cái chớp
mắt, thế mà hình ảnh chứa trong đồng tử lớp lớp chồng chất. Những vùng không
gian sáng mượt, tối đen hay lờ nhờ gồ ghề những cảm xúc khổ vui không xác định,
bởi cái “động” mà ta cảm nhận đã bị thời gian cắp đi, còn cái “tĩnh” là một hiện
tượng chết từ những nét vẽ thiếu hụt của trí nhớ. Lão không hiểu tuổi già vì
sao dễ bị trơ cảm với hiện tại mà lại dễ động lòng với quá khứ ?
Buồn thật buồn. Nếu nay mai, cho dù cái quán
cà phê này vẫn còn nhưng với phong cách, hình thái khác; có chắc lão sẽ tìm cho
mình một góc như cũ không? Có lẽ không, lão cảm nhận chẳng còn một góc như cũ
khi bóng dáng cũ không còn. Gợi nhớ và một hiện tượng chết. Nhưng có thể để đến
một nơi quán khác, lão khó cưỡng lại ý muốn đi ngang qua con đường này, để buồn
thật buồn.
Bên kia đường căn hộ đang xây ngày một cao
thêm. Lão nhìn chếch lên một góc mái bạt của quán, lấp ló một viền mây mỏng manh, xa tít.
Saigon 28/11/2017
SatrungKim
0 nhận xét:
Đăng nhận xét