Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

thằng Khệch


      Truyện ngắn


GÓC XÉO CÀ PHÊ SÁNG (2)


  2- THẰNG KHỆCH

      Như thông lệ, dưới gốc bằng lăng kề chỗ ngồi thường ngày của Cậu grab, luôn có một chiếc ca nước trà đá khoảng nửa lít và một chiếc ly thủy tinh có in hoa. Thằng Khệch ghé qua rót ra một ly và làm một hơi hết sạch. Điều đáng nói, dù là có khách đang ngồi, nó lần lượt đi từ bàn này qua bàn nọ bưng từng ly trà đá lên uống sạch, hành động rất bình thản. Khách hơi ngớ người nhưng chẳng ai buồn nói gì. Chỉ có Cậu grab thường nạt lớn:

      -Này, không được! Cấm nghe !

      Trừ phi thằng Khệch chưa cầm ly nước, nó sẽ di chuyển qua bàn khác. Còn lỡ đã cầm, nó từ từ nốc hết ly, lấy tay quệt ngang miệng và quay nhìn Cậu grab như muốn nói: dạ! Dạ! Sau này, chịu không nổi, Cậu grab đi tới chỉ vào mặt thằng Khệch: không được, nhớ chưa ? Ra ngoài kia! Cậu grab chỉ tay về phía cây bằng lăng. Thằng Khệch sợ sệt, vội đi thẳng mà không dám ghé bàn nào nữa. Nếu ai là khách quen như lão, hành động thường ngày ấy của  thằng Khệch có khi là một đặc trưng của quán. Nói điều này vì quán vẫn đông khách. Phiền cho chủ quán hoặc phục vụ là cứ phải xin lỗi khách luôn.

      -Em cũng không rõ lai lịch nó nữa. Chỉ biết nhà nó ở hẻm kế bên này.

      Lão nhìn theo hướng tay của cô chủ quán. Hỏi tiếp:

      -Nó bị gì?

      -Nghe nói nó là con trai của một ông già y sĩ bộ đội và mẹ nó là y tá. Nó là út, hai đứa đầu là gái. À, hình như nó bị kinh phong từ nhỏ. Tay nó, anh để ý xem, không khi nào buông thẳng, luôn co lên ngực và run run. Có người nói do ba nó bị nhiễm độc gì đó từ thời chiến tranh, chẳng biết đúng không.

      -Thấy nó hiền mà.

     -Chưa bao giờ thấy nó lên cơn quá độ. Mọi người quanh đây ai cũng thương, tội nghiệp! Không còn trẻ đâu, gần bốn mươi rồi đó.

      -Chiều có tới đây không ?

     -Buổi sáng thôi. Nó đi một vòng ngang đây tới chùa, quay lại ngang đây rồi về nhà uống thuốc, rồi...không biết nữa. Ngày nào em cũng dành cho nó một ca bự trà đá, vậy mà nó thích uống của khách mới chết chứ ! Người nó như luôn thiếu nước.

      Từ ngày không còn Cậu grab, lão đã chuyển chỗ ngồi vào trước quầy tính tiền, gần nơi cô chủ đứng pha chế. Rỗi rãi, khi đã ít khách cô chủ quán hay ghé xuống bàn lão ngồi tán gẫu chơi.

      -Thằng Khệch bây giờ bực mình lắm. Nó không sợ thằng Tánh. Đó anh xem kìa, nó tỉnh rụi. Thay ly khác đi con, Tánh!

      Tánh là tên cậu thanh niên mới vào làm. Đang là sinh viên, tranh thủ vừa học vừa làm ca kiếm thêm chút trang trải. Ngoài giắt giữ xe, cậu ta còn phụ bưng bê, lau dọn bàn, học cô chủ pha chế. Lão đã một lần chuyện trò với cậu ta, nhưng có lẽ vì ngại không dám ngồi lâu, thường đến ngồi ở cửa ra vào quán. Đôi lần lão thấy Tánh la nạt thằng Khệch, nhưng vô hiệu. Thế là đành nhăn nhó mang lý nước khác ra đổi cho khách và không quên một lời xin lỗi.

      -Anh ngồi chơi nhe, có khách vào.

      Cô chủ quán vội quay vào trong quầy. Lão nhìn ra ngoài bắt gặp thằng Khệch đang lấy tay quệt ngang miệng, một dòng nước nhỏ chảy ra từ mép miệng lệch môi. Đúng ra giờ này, gần trưa rồi, nó phải về nhà uống thuốc theo cữ, sao còn rề rà ở đây. Hình như chưa đã khát thì phải, nó bước tới đứng ở lối ra vào giữa hai chiếc xe máy, mặt quay vào trong quán. Khó xác định ánh mắt nó hướng về đâu. Khuôn mặt như bị nạo vét bởi cặp mắt khá sâu, nhô lên cặp lông mày nhợt và thưa gần như trụi lông. Trán nó quá ngắn, bị dẹp lên phía trên khiến đỉnh đầu đụn lên cao; với đám tóc lún phún càng thấy rõ phía sau đầu thẳng dẹp tạo cho cái đầu nó như một ngọn núi nhọn. Rõ ràng nhìn nó ai cũng biết có sự bất thường, dù nó luôn ăn mặc bình thường với cái quần sọoc, áo sơ mi ngắn tay, hoặc áo thun. Và ngày nào cũng thay đổi y phục sạch sẽ.

      Chưa bao giờ lão được nghe tiếng nói nào từ miệng thằng Khệch phát ra ngoài âm thanh khò khè khi nó thở, có lẽ vì thế người ta gọi nó là Khệch chứ chẳng ai biết tên khai sinh nó là gì. Nó luôn cười với cái môi méo, hàm dưới chìa ra bộ răng lôm côm, có vài cái đen gỉ. Mấy lần Cậu grab giơ nắm tay dọa đánh, thằng Khệch chỉ hơi nghiêng người và cười, mắt nháy nháy. Nhu cầu của nó chỉ là “uống”. Nó luôn cần uống bởi dường như nước từ miệng xuống bụng bốc hơi nhanh bay mất. Cô chủ có lý, nó luôn thiếu nước. Thằng Khệch có suy nghĩ không nhỉ? Nếu không ông Descartes buồn chết được (!).

      Lão đang liu riu ghi nhớ hình ảnh của thằng Khệch thì giật mình vì tiếng “xoảng” của thủy tinh vỡ.  “Đồ chó má ! Đù má cút !” kèm theo là tiếng xô đẩy bàn ghế, lại tiếng thủy tinh va đập hòa trong những tiếng đấm đá thậm thụi. Khách từ trong quát vụt chạy ra, có mấy tiếng la :

      -Đừng, đừng đánh nó. Nó mất trí mà!.

      Lão vừa đứng dậy. Tiếng xe đổ rầm. Bước nhanh ra ngoài, người ta bao quanh lại nhưng không ai dám nhảy vào can. Chỉ thấy một cô gái ra sức ôm ngăn một chàng trai đang hung hăng dấn tới. Một thanh niên khác vừa chỉ tay vào thằng Khệch đang nằm vắt trên chiếc xe bị ngã, hắn ta đạp vào bụng Khệch mấy cái. Mặt nó đầy máu. Thằng Khệch đau đớn ú ớ, bọt máu sủi lên khóe miệng. Có lẽ thấy người đông, hai thanh niên, ông nào cũng xăm trỗ đầy cổ và tay, cùng cô gái trẻ lên chiếc xe máy phân khối lớn, rú ga dọt nhanh. Hai ống bô phụt ra hai đám khói dài như biểu thị sự đắc thắng. Cách nằm rạp trên xe phân khối lớn có vẻ thể hiện tính anh hùng thời đại ghê. Lúc này, một cậu thanh niên và hai người đàn ông vội đến xốc bế thằng Khệch lên.

      -Cấp cứu ! Kêu xe cấp cứu!

**

       Lão đến quán khá sớm như thường lệ. Chật vật lắm lão mới chen được chiếc xe máy vào gần gốc cây bằng lăng, phía nhà bán tạp hóa bên cạnh quán cà phê. Khách hôm nay đông thật. Chỗ lão thường ngồi hai người phụ nữ đã chiếm.

       -Anh ngồi đỡ đâu đó đi. Tánh ơi, lấy ghế cho bác.

       -Thôi được rồi.

      Lão khoát tay rồi bước trở ra. Đi về hướng cửa chùa, gần cái sạp của bà Sáu.

      -Xin lỗi, có ai ngồi không?

      -Dạ, bác cứ tự nhiên.

      Bàn này, lão thường thấy chỉ có một người đàn ông khoảng trung niên ngồi. Cũng là khách thường ngày của quán. Họ nhận ra nhau dù chưa hề hỏi han nhau. Cậu ta, gọi vậy cho nó trẻ, đang chăm chú đọc tin hoặc là chơi game, lên “phây” gì đó với cái di động. Chợt bà Sáu xoay người lại nói với lão:

     -Tội nghiệp thằng nhỏ, ngơ ngáo chẳng biết gì. Mà, cái bọn ăn mặc sang trọng đó, trời đánh thiệt a. Chắc chắn tụi nó là con nhà có máu mặt mới hách dịch dzậy!

     Nói xong bà Sáu thở dài ngao ngán khiến cho lớp thịt thặng dư trên người bà rung rung. Tuy vậy, đôi mắt của bà đen trong toát lên ánh nhìn nhân ái. Lão từng thấy bà ôm đầu thằng Khệch xoa xoa, cười với nó, nói nói gì với nó khiến nó cười theo.

     -Chị Sáu, thằng Khệch sao rồi ? Lão thừa cơ hỏi chuyện.

     -Chấn thương não. Đang nằm phòng mổ.

     -Nặng thế à !

     -Trời ơi, đã bị kinh phong lại bị đánh toác đầu nữa thì...

     -Biết đâu nhờ thế mà nó tĩnh. 

     Người khách mắt vẫn chăm chú cái di động vội buột lời.

     Bà Sáu thở dài bỏ lửng câu nói. Lão cũng im lặng. Một khoảng trống tê người len theo cơn gió ban mai tỏa ra trong lão. Ờ, biết đâu được ! Lão chợt nhớ một nhân vật của nhà văn trào phúng Azit Nexin, trong lòng thầm cầu cho sự đau đớn của thằng Khệch linh thiêng hóa lành. Bởi có những điều không tưởng đã thành sự thực. Giụt điếu thuốc xuống đất, lão giậm chân lên một cách vô thức. Bà Sáu ì ạch cố đứng dậy, lấy một cây nhang thắp lên và gắn ở kẽ gỗ của góc sạp. Lão định mở miệng hỏi, nhưng nghĩ sao lại thôi. Chắc là bà ta cầu khách mua ? Mà ngày mai cuối tháng rồi, sẽ tấp nập khách cúng chùa thôi mà. Bà Sáu quay lại ghế ngồi rồi nói:

     -Ôi... cái thời với thế, chán gì đâu! Điên mà cũng chả yên !

      Câu than thở có hơi hài của bà Sáu vặn xoay con mắt lão về phía cây bằng lăng đầu kia. Một chiếc lá chao bay giữa vạt nắng mai ươm vàng. Chập chờn trong lão một ý nghĩ buồn. Rất buồn, về một sự mỏng manh tồn tại. Vô thức và phi lý chạm nhau xảy ra nghịch lý. Chấp nhận khiến ý thức kháng cự mâu thuẩn. Giới hạn giữa ta với cuộc sống là khoảng trống xa lạ. Ai cũng đôi lần muốn chết cho khỏe, nhưng lại sợ chết. Thằng Khệch dù thiểu năng trí tuệ, nhưng vẫn biết sợ chết bởi nó biết đớn đau. Một chút thương cảm chạy theo ngụm cà phê tê rần trong lão, dường như lão tự thấy thương mình.

      Lão nhìn lên trời, góc mái bạt của quán cà phê che ngang một mảng mây trắng mỏng non un lượn như mt bàn tay vy.

      Cai Lậy, 17/11/2017
Satrungkim

0 nhận xét:

Đăng nhận xét